Ngày 13-7, bà Trần Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, đã làm việc với Bệnh viện (BV) Đa khoa huyện Ba Vì về sự cố giao nhầm con tại BV này 6 năm trước. Qua rà soát cho thấy nhân viên y tế đã thực hiện sai quy trình về bàn giao trẻ. "Hai bên gia đình đề nghị BV hỗ trợ một khoản chi phí về những tổn thất của sự cố giao nhầm con. Quan điểm của Sở Y tế là chỉ đạo BV và các cá nhân liên quan thực hiện đề nghị của phía 2 gia đình" - bà Hà nói.
Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương (TP HCM) thực hiện quy trình khép kín để tránh trao nhầm con. Ảnh: TRỊNH THIỆP
Tuy nhiên, phía BV cho rằng quỹ đền bù rủi ro của BV khó đáp ứng được yêu cầu của gia đình hai bên nên chưa thống nhất việc bồi thường. BV đã có công văn gửi TAND huyện Ba Vì xem xét giải quyết vụ việc theo pháp luật.
Nhìn nhận vụ trao nhầm con ở Ba Vì gây ra tổn thương quá lớn cho 2 gia đình, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang cho rằng nên lắng nghe hai cháu bé bị trao nhầm và nên thận trọng để tránh làm tổn thương hai trẻ. "Sự cố đã vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật, quan niệm đúng sai và rất khó giải quyết thấu tình đạt lý. Vì thế, giải quyết vụ việc này cũng đừng nên chỉ nhìn nhận về mặt pháp luật, bồi thường tiền bạc hay khiếu kiện xử lý trách nhiệm, mà còn cả vấn đề mang tính nhân văn" - ông Quang phân tích.
Cùng ngày, Sở Y tế Hà Nội cũng có công văn gửi các đơn vị trực thuộc ngành y tế yêu cầu chấn chỉnh công tác giao nhận trẻ sơ sinh. Theo đó, yêu cầu các đơn vị nghiêm túc rà soát lại toàn bộ quy trình chuyên môn, kỹ thuật của cơ sở y tế, đặc biệt là quy trình chuyên môn trong chuyên ngành sản khoa và các quy trình khác liên quan đến việc tránh nhầm lẫn trẻ sơ sinh.
Bị xử nặng vì trao nhầm con
Theo Trung tâm Chẩn đoán ADN (Mỹ), ước tính có đến 500.000 trẻ sơ sinh có nguy cơ bị trao nhầm cha mẹ trên thế giới mỗi năm bất chấp các kỹ thuật nhận dạng tiên tiến của BV.
Gần đây nhất là một vụ gây chấn động ở Montenegro. Giới chức BV ở thủ đô Podgorica hồi tháng 5 tiến hành điều tra vụ trả nhầm con và cáo buộc một y tá có thâm niên 20 năm làm sai quy trình, theo trang Independent. Vụ việc vỡ lở khi một cặp vợ chồng đưa con về nhà và nhanh chóng phát hiện thẻ ghi số của đứa trẻ không trùng khớp. Khi gia đình bị trao nhầm con nộp đơn kiện nữ y tá thì Bộ trưởng Y tế Montenegro Kenan Hrapovic yều cầu sa thải trưởng khoa sản của BV.
Trong vụ trao nhầm con khác ở TP Kopeisk - Nga vào năm 2011, tòa án yêu cầu BV bồi thường mỗi gia đình 100.000 USD. Vụ nhầm lẫn hé lộ sau khi vợ chồng bà Yuliya Belyaeva ly hôn và người chồng không chịu chu cấp cho con gái Irina vì cô bé không có nét nào giống cha. Kết quả kiểm tra ADN cho thấy cặp đôi nuôi nấng Irina nhiều năm không phải cha mẹ ruột của cô bé. Một cuộc điều tra sau đó phát hiện cha ruột của Irina đang nuôi con gái Anna của vợ chồng bà Belyaeva ở một thị trấn lân cận. Dù được bồi thường nhưng bà Belyaeva tâm sự vụ việc gây ra tổn thương tinh thần lâu dài tới mức có lúc bà nghĩ thà không biết sự thật còn hơn. Cả hai gia đình khi đó cho hay sẽ dùng tiền bồi thường xây nhà ở cạnh nhau để có thể quan tâm và dạy dỗ các con.
X.MAI
Quy trình khép kín tránh nhầm lẫn
ThS-BS Phan Thị Hằng, Phó Giám đốc BV Hùng Vương (TP HCM), thông tin mỗi ngày có khoảng 120-150 bé ra đời nên BV không ngừng cải tiến quy trình chuẩn để tránh việc trao nhầm con.
Trong lúc đỡ sinh, người đỡ sinh sẽ nói to giới tính của bé để mẹ và người ghi bệnh án nghe rõ thông tin của bé. Trước đây, bàn cân nằm ở phòng khác nên nữ hộ sinh phải bế bé ra phòng ngoài để cân, tắm bé. Nhưng hiện nay, bé được cân, tắm tại phòng sinh. Khi cân, tên mẹ, ngày nhập viện của mẹ được viết trên chân của bé. Sau đó lắc điện tử có thông tin đầy đủ được đeo vào tay, chân của bé.
BS Hằng cũng nhấn mạnh ngay cả việc tắm bé cũng được thực hiện trong phòng sinh và có sự giám sát của người nhà sản phụ nên việc trao nhầm con là không thể xảy ra.
TR.THIỆP
Bình luận (0)