Văn phòng Chính phủ ngày 18-3 đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về tình hình bệnh sán dây và ấu trùng sán heo tại một số địa phương.
Sớm làm sáng tỏ nguyên nhân
Tại văn bản trên, Thủ tướng giao Bộ Công an điều tra làm rõ thực phẩm bị nhiễm ấu trùng sán heo tại tỉnh Bắc Ninh; đồng thời chỉ đạo Bộ Y tế cử ngay đoàn công tác về tỉnh Bắc Ninh và các tỉnh có phát hiện bệnh để chỉ đạo phòng, chống bệnh; chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc kịp thời khám, điều trị cho người bệnh.
Người dân tập trung ở Trường Mầm non Thanh Khương yêu cầu cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra làm rõ vụ việc Ảnh: HUY THANH
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện đúng các quy định về an toàn thực phẩm (ATTP), nhất là các cơ sở có bếp ăn cho học sinh và vệ sinh trường học. UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các ngành chức năng, nhất là các ngành y tế, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu đúng về bệnh, chủ động thực hành các biện pháp vệ sinh, ATTP. Ngành y tế chủ động phát hiện bệnh, điều trị tích cực, kịp thời cho các trường hợp nhiễm bệnh.
Chiều cùng ngày, cơ quan chức năng huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh ra quyết định đình chỉ công tác một loạt cán bộ liên quan đến vụ việc trẻ bị nhiễm sán heo trên địa bàn. Trước đó, bà Cao Thị Hòe, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thanh Khương (huyện Thuận Thành), nơi để xảy ra hàng trăm học sinh nhiễm sán heo, đã bị đình chỉ chức vụ.
Cũng trong ngày 18-3, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã có cuộc họp với các sở, ngành, chính quyền địa phương. Ông Nguyễn Nhân Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, khẳng định tỉ lệ phần trăm nhiễm sán heo của Bắc Ninh tương đương 55 tỉnh, không có gì bất thường. Các em đi khám bệnh vẫn khỏe mạnh. "Đây cũng không phải dịch bệnh cấp tính, vì thế chúng ta yên tâm, không hoang mang, không dao động" - ông Chiến trấn an.
Ông Chiến cho rằng Ban Quản lý ATTP tỉnh Bắc Ninh, các cơ quan chức năng đang làm việc khẩn trương với thái độ trung thực, không bao che, nhằm tìm ra nguyên nhân. Tuy nhiên, trong lúc chưa có kết luận chính thức, không nên đổ tội cho cơ sở nào. Trước sự việc gây tác động tiêu cực đến tâm lý người dân, ông Chiến mong muốn cơ quan chức năng sớm làm sáng tỏ câu hỏi: Tại sao cùng ăn thực phẩm đó, 10 em nhiễm sán, 90 bé không bị sao? Theo ông, nếu thức ăn nhiễm sán thật thì các cơ quan chức năng, nhà chuyên môn phải tìm ra, lý giải điều này, tránh gây hoang mang trong dư luận. Việc trả lời nguyên nhân là rất cần thiết để người dân bớt hoang mang.
Cũng theo ông Chiến, trước mắt, tỉnh Bắc Ninh chủ trương hỗ trợ xét nghiệm sán heo cho trẻ ở huyện Thuận Thành có ăn thịt heo vào ngày 14-2.
Đồng loạt đưa trẻ đi xét nghiệm
Trong khi đó, sáng cùng ngày, hàng trăm phụ huynh huyện Thuận Thành ồ ạt mang con đến từ sớm tại điểm Trường Mầm non Thanh Khương (huyện Thuận Thành) để lấy mẫu máu xét nghiệm.
Xã Mão Điền có khoảng gần 900 trẻ đến lấy mẫu xét nghiệm. Việc lấy mẫu được thực hiện bởi bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh. Mẫu máu này sau đó sẽ được vận chuyển về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương để phân tích.
Bà Nguyễn Thị Huyền, một phụ huynh có con theo học tại Trường Mầm non Thanh Khương, bức xúc: "Cơ quan chức năng cần mau chóng làm rõ nguồn thịt từ doanh nghiệp cung cấp cho trường. Đã nhiều lần phụ huynh phát hiện thực phẩm bẩn mà doanh nghiệp này đưa vào trường. Chúng tôi đang rất lo lắng cho các con mình".
Trước phản ứng của phụ huynh, bà Nguyễn Thị Mây, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Thanh Khương, nói rằng ban giám hiệu nhà trường đang chờ kết luận của cơ quan chức năng. Hiện hiệu trưởng nhà trường đã bị đình chỉ công tác nên bà đang làm thay công việc của hiệu trưởng. Theo bà May, không chỉ có các em học sinh mới bị nhiễm, một giáo viên của trường cũng phát hiện bị nhiễm bệnh sán heo.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, hơn 300 trẻ được gia đình đưa vào đây xét nghiệm chỉ trong buổi sáng. Bác sĩ Trần Thị Hải Ninh, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp của bệnh viện, cho biết nhiều người dân lo lắng và sợ quá tải nên đã có mặt tại bệnh viện từ lúc 3, 4 giờ sáng để chờ xét nghiệm. Bệnh viện đã dành khu vực hội trường riêng, tăng cường nhân lực để phục vụ nên phụ huynh có thể đưa con đến xét nghiệm trong giờ hành chính. Việc khám và lấy mẫu xét nghiệm cũng chỉ diễn ra trong khoảng 15-20 phút nên người dân sẽ không phải chờ đợi lâu.
Tính đến trưa 18-3, đã có hơn 2.300 lượt bệnh nhân lên Hà Nội xét nghiệm sán heo, trong đó phát hiện 209 trẻ dương tính. Đây là vụ nhiễm sán heo tập thể lớn nhất từ trước đến nay, gấp đôi ổ bệnh sán heo được phát hiện tại tỉnh Bình Phước vào năm 2018.
19 tỉnh, thành nhiễm dịch tả heo châu Phi
Lập biên bản xử lý người tung tin đồn heo bệnh ở Bạc Liêu
Ngày 18-3, ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Thừa Thiên - Huế, xác nhận dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện ở địa phương này. Ổ dịch phát hiện tại chuồng nuôi với 5 con heo của 1 hộ dân ở thôn Hiền An, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền.
Kết quả kiểm nghiệm cho biết 5 con heo này dương tính với dịch tả heo châu Phi. Như vậy, tính đến thời điểm này, đã có 19 tỉnh, thành nhiễm dịch tả heo châu Phi. Tại các tỉnh, thành này, dịch bệnh này đang có chiều hướng lan rộng. Như tại TP Hải Phòng vừa có thêm 18 hộ chăn nuôi ở 10 xã trên địa bàn TP bị nhiễm dịch. Tính chung, đến ngày 18-3, 545 hộ, 134 thôn, 46 xã/phường thuộc 6 huyện/quận của Hải Phòng có dịch tả heo châu Phi. Tổng số heo phải tiêu hủy lên tới 7.472 con.
Chiều cùng ngày, Thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Công an tỉnh và Công an huyện Hòa Bình lập biên bản xử lý đối với bà Đoàn Phương Loan (30 tuổi; ngụ xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình) về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội Facebook.
Trước đó, chiều 15-3, trên tài khoản Facebook cá nhân, bà Loan đăng tải hình ảnh kèm theo thông tin: "Heo bệnh về tới Bạc Liêu rồi...". Chỉ sau vài giờ, bài viết đã thu hút hàng trăm lượt thích và bình luận cũng như chia sẻ, gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng và người chăn nuôi trong tỉnh Bạc Liêu. Đến hơn 18 giờ cùng ngày, thông tin và hình ảnh đã được bà Loan gỡ xuống.
Tại buổi làm việc, bà Loan khai nhận do không biết nên thấy thông tin trên mạng về việc heo bệnh và lo sợ cho gia đình, bạn bè nên đã đưa thông tin trên lên Facebook.
Q.Nhật - Tr.Đức - P.Nguyên
Doanh nghiệp cung cấp thực phẩm đóng cửa
Trong ngày 18-3, Công ty TNHH Đầu tư Tài chính Hương Thành (gọi tắt là Công ty Hương Thành; phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) đã gỡ biển hiệu, đóng kín cửa. DN này cung cấp thực phẩm cho 19 trường trên địa bàn huyện Thuận Thành, nghi nguồn thịt heo gây ra ấu trùng sán heo. Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tử Quỳnh đều phủ nhận có quan hệ với chủ DN này như thông tin đồn đoán.
Liên quan đến vụ việc, chiều 18-3, Ban Quản lý ATTP tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bắc Ninh, Cục ATTP - Bộ Y tế về kết quả kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm của Công ty Hương Thành. Theo đó, kết quả điều tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại Công ty Hương Thành vào ngày 14 và 20-2 cho thấy thịt heo được lấy từ 2 cơ sở: Hộ kinh doanh Hoàng Thị Hải (thôn Văn Quan, xã Trí Hải, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) và hộ kinh doanh Trần Văn Đát (thôn Chân Tảo, xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội). Cả 2 hộ này được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về ATTP.
Truy xuất tiếp nguồn gốc, cơ quan chức năng xác định hộ bà Hải mua thịt từ hộ kinh doanh Phạm Thị Hạnh (thôn Tư Thế, xã Trí Quả, huyện Thuận Thành) - được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về ATTP. Riêng nguồn thịt của hộ ông Đát, Ban Quản lý ATTP tỉnh đã có văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội, Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản Hà Nội tiếp tục điều tra, truy xuất nguồn gốc theo quy định.
Bình luận (0)