Vừa qua, Báo Người Lao Động đã có nhiều bài viết thông tin việc một số hộ dân xã Đắk Ang, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum không được nhận hỗ trợ thiên tai.
Thanh tra huyện Ngọc Hồi đã vào cuộc xác định số tiền hơn 35 triệu đồng, hỗ trợ cho các hộ dân thôn Long Dôn bị thiệt hại do bão số 4 năm 2018 bị chậm chi trả. Cán bộ xã chỉ mang tiền đến tận nhà chi trả cho người dân sau khi báo chí phản ánh.
Theo Luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP HCM), việc cán bộ xã Đắk Ang "mượn tạm" tiền ngân sách cấp cho những người dân được nhận hỗ trợ là có dấu hiệu của tội "Tham ô tài sản".
Người dân bị thiệt hại do thiên tai là đối tượng được nhà nước hỗ trợ. Số tiền nhà nước hỗ trợ đã được cán bộ xã rút ra để chi trả cho người dân.
Chị A Đan (áo xám) và Y Dủ (áo xanh) mỗi người được nhà nước hỗ trợ 6 triệu đồng nhưng 2 năm chưa nhận được tiền
Tuy nhiên sau đó, số tiền này vẫn chưa đến tay người được nhận hợp pháp, do đó về lý thuyết thì nhà nước vẫn còn nợ họ.
Số tiền này đã bị người quản lý lợi dụng chức vụ, quyền hạn để "mượn tạm" mà thực chất là chiếm đoạt.
Hành vi tội phạm đã hoàn thành kể từ thời điểm người quản lý rút tiền từ kho bạc nhà nước nhưng không nộp vào quỹ của cơ quan, không cấp hỗ trợ cho người dân được hưởng.
Nếu người bị thiệt hại đến nay đã nhận tiền hỗ trợ thì chỉ là tình tiết giảm nhẹ, khắc phục hậu quả.
Ngoài ra, việc trả tiền hỗ trợ phải tính cả lãi suất từ thời điểm rút tiền đến nay theo lãi suất đi vay của ngân hàng thương mại.
Đối với những người tiếp tay cho hành vi phạm tội cũng có thể bị xử lý kể cả họ không có chức vụ, quyền hạn.
Cùng quan điểm này, Luật sư Dương Lê Sơn (Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk) cũng cho rằng cần điều tra để xác định ai là người làm hồ sơ, ai là người chiếm đoạt tiền để xử lý đúng quy định pháp luật.
Bình luận (0)