Theo ông Tạ Quốc Tịch, Chủ tịch UBND xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội), huyện đã chỉ đạo tạm dừng cưỡng chế toàn bộ công trình ở thôn Minh Tân (xã Minh Trí) vì hơn 20 hộ dân trong thôn khiếu nại quyết định cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả của huyện.
Vẫn còn khúc mắc
Theo kết luận của Thanh tra TP Hà Nội, có hàng ngàn công trình xây dựng vi phạm trên đất rừng Sóc Sơn, chỉ riêng 2 xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng đã có 797 công trình vi phạm.
"Chúng tôi đang chờ Thanh tra TP trả lời đơn của bà con thôn Minh Tân về tính pháp lý của bản đồ quy hoạch đất rừng năm 2008 đúng hay sai" - ông Tịch nói và cho biết sau khi có văn bản dừng cưỡng chế, huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo các xã rà soát toàn bộ các hộ dân có hiện tượng chồng lấn tương tự như ở thôn Minh Tân. Từ đó, huyện sẽ đề xuất các cấp bóc tách điều chỉnh quy hoạch đất rừng.
Theo ông Tịch, xã Minh Trí có 8 thôn thì 7 thôn không được bóc tách đất ở khỏi đất rừng. Dân Minh Tân đang kiến nghị tính pháp lý của bản đồ quy hoạch năm 2008 và họ cho rằng quy hoạch này đã trùm hết lên đất ở mấy đời của dân trong xã.
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương, cho rằng việc vi phạm, lấn chiếm đất rừng Sóc Sơn lâu nay đã gây bức xúc trong nhân dân, đến nay, Hà Nội đã xử lý nhiều lãnh đạo, cán bộ liên quan là rất đáng hoan nghênh.
Tuy nhiên, ông Hùng nhấn mạnh vẫn còn hàng trăm công trình chưa xử lý, nhiều cán bộ liên quan chưa bị kỷ luật. Khi chưa xử lý dứt điểm thì vẫn còn đó những băn khoăn trong nhân dân. "Cần xem xét việc xử lý như vậy đã công minh, chính xác, kịp thời chưa. Chính quyền Hà Nội cần nhìn nhận và nghiêm túc xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm" - ông Hùng nói.
Một khu vực tại huyện Sóc Sơn có nhiều công trình vi phạm đã bị đình chỉ cưỡng chế
Có biểu hiện bao che?
Theo luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), đây là vụ vi phạm nghiêm trọng ngay tại thủ đô nhưng các cơ quan có thẩm quyền xử lý chưa kịp thời, mức xử lý chưa tương xứng hành vi vi phạm, có biểu hiện tránh né, bao che. Cụ thể, số cán bộ bị xem xét lên đến 80 người nhưng mới chỉ 39 người bị kỷ luật. Mặc dù công tác thanh tra đã kết thúc cách đây nhiều tháng nhưng đến nay, các cơ quan mới đưa ra các hình thức xử lý.
Luật sư Tiền cho rằng thời gian xảy ra vi phạm kéo dài, nhiều người liên quan và có sự ảnh hưởng trong công chúng. Chỉ khi dư luận lên tiếng thì các cơ quan chính quyền mới vào cuộc thanh tra, kiểm tra các sai phạm, song việc thanh kiểm tra vẫn diễn ra rất lâu, kéo dài. Vì vậy, cần xử lý nghiêm đối với các cán bộ trực tiếp chịu trách nhiệm trong thời gian đó.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội đã từng nói rõ huyện Sóc Sơn cho chuyển nhượng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất "sổ đỏ" trên đất rừng phòng hộ là trái pháp luật. Nhưng sau đó, các cấp chính quyền vẫn không xử lý nên mới xảy ra tình trạng xây dựng tràn lan, trái phép như hiện nay. "Nếu đã cấp sai thì UBND huyện phải cưỡng chế, thu hồi sổ đỏ đã cấp, không thể có cách giải quyết nào khác, trường hợp "phạt tiền cho tồn tại" càng không được phép thực hiện" - GS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.
Hà Nội cần làm gương!
Theo ông Vũ Quốc Hùng, không nhất thiết phải cưỡng chế, phá dỡ tất cả công trình sai phạm mà phải xử lý hợp tình hợp lý để hài hòa lợi ích của người dân và nhà nước. Có nhiều người dân không nắm được quy hoạch của chính quyền nên mới vi phạm nhưng những trường hợp cố tình vi phạm nếu có yếu tố hình sự, "lợi ích nhóm", "đưa - nhận hối lộ" thì cơ quan chức năng phải làm rõ, xử lý nghiêm.
"Hà Nội phải xử lý nghiêm để làm gương cho các trường hợp khác, ở các tỉnh khác trên cả nước" - ông Hùng nêu quan điểm.
Bình luận (0)