Ngày 26-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phát triển vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ).
Hai cực tăng trưởng quan trọng
Tại cuộc họp, lãnh đạo một số bộ, ngành và 4 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng KTTĐ (Hà Nội, TP HCM, Quảng Nam, Kiên Giang) đã báo cáo việc thực hiện kết luận của Thủ tướng về phát triển vùng KTTĐ.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết trong giai đoạn 2011-2019, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của 4 vùng KTTĐ bình quân mỗi năm tăng 7,25%; quy mô GRDP của toàn bộ 24 địa phương thuộc 4 vùng KTTĐ (Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam và ĐBSCL) so với GDP của cả nước ở mức trên 70%. Hà Nội và TP HCM là 2 cực tăng trưởng quan trọng của cả nước, đóng góp vào tăng trưởng chung cả nước bình quân năm tương ứng đạt 13,08% và 19,9%.
TP HCM phát huy vai trò đầu tàu ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy cứ 1% tăng trưởng của 4 vùng KTTĐ sẽ làm GDP của toàn bộ nền kinh tế tăng 0,61%, trong đó vùng KTTĐ Bắc Bộ và phía Nam là 2 vùng có tác động lớn nhất. Cụ thể, tăng 1% GRDP của vùng KTTĐ Bắc Bộ làm GDP của toàn nền kinh tế tăng 0,49%, tăng 1% GRDP của vùng KTTĐ phía Nam làm GDP của toàn nền kinh tế tăng 0,55%.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong và lãnh đạo địa phương khác đã báo cáo tình hình thực hiện kết luận của Thủ tướng về phát triển kinh tế các vùng KTTĐ. Đáng chú ý, lãnh đạo địa phương cho biết việc đầu tư các dự án mang tính kết nối trong vùng, tạo hiệu ứng lan tỏa như các dự án giao thông, các chuỗi liên kết phát triển du lịch, logistics, phát triển các ngành hàng có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, các dự án phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng về lâu dài cần có luật về phát triển vùng, làm rõ vai trò của hội đồng vùng, cơ chế huy động, phân bổ nguồn lực… Các tỉnh, thành phố cũng cho biết thêm về mục tiêu tăng trưởng, thu ngân sách có thể đạt được trong năm nay của địa phương.
Phát huy tối đa vai trò hội đồng vùng
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu khẩn trương xây dựng, hoàn thiện quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh nằm trong quy hoạch tổng thể quốc gia. Đây là yêu cầu cần triển khai sớm, làm kỹ để khắc phục tình trạng "mạnh ai nấy làm". Tinh thần các tỉnh, thành phố trong vùng KTTĐ phải đi đầu trong phục hồi phát triển kinh tế sau dịch Covid-19, đặc biệt là thu hút đầu tư của các tập đoàn lớn, các công ty xuyên quốc gia có năng lực công nghệ hàng đầu, đứng đầu các chuỗi giá trị.
Về thể chế phát triển vùng KTTĐ, theo Thủ tướng, việc cần làm ngay là phát huy tối đa vai trò hội đồng vùng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đề xuất Chính phủ cơ chế phù hợp để các địa phương trong vùng KTTĐ tận dụng được tiềm năng, thế mạnh, không cạnh tranh lẫn nhau, làm suy yếu nhau.
"Bí thư, chủ tịch UBND các địa phương cần đề cao trách nhiệm trong phát triển kinh tế vùng, không nên coi đây là sinh hoạt câu lạc bộ mà phải thực sự tận tâm, tận lực vì sự phát triển của cả vùng, của đất nước và từng địa phương. Không có địa phương nào có thể phát triển bền vững nếu các địa phương lân cận kém phát triển" - Thủ tướng nêu rõ.
Trong 4 vùng KTTĐ, có 2 vùng chịu nhiều thiên tai nhất là vùng ĐBSCL và miền Trung, bây giờ đang gặp nắng hạn. Do đó, các địa phương trong vùng KTTĐ tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, triển khai tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, có ngay các giải pháp mạnh, đồng bộ, hiệu quả để thu hút đầu tư, thúc đẩy phục hồi sản xuất - kinh doanh sau dịch.
Với từng vùng KTTĐ cụ thể, vùng KTTĐ Bắc Bộ với trọng tâm là "tam giác phát triển" gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, có nhiều điều kiện thu hút đầu tư công nghệ cao, chế biến chế tạo, điện tử, dịch vụ, tài chính ngân hàng, logistics...; có thế mạnh về nguồn nhân lực, hình thành các trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao.
Đối với vùng KTTĐ miền Trung, tập trung phát triển mạnh kinh tế biển, phát triển hệ sinh thái ôtô, các ngành dịch vụ vận tải, đặc biệt là du lịch. Cần có đề án phát triển du lịch miền Trung kết hợp với Tây Nguyên thành vùng trọng điểm mang tầm khu vực và thế giới. Còn vùng KTTĐ phía Nam phải tập trung thu hút đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao, đứng đầu các chuỗi giá trị; phát huy vai trò đầu tàu của TP HCM để đưa vùng này thành động lực tăng trưởng ngay trong năm 2020 và thời gian tới.
Đặc biệt quan tâm hạ tầng ĐBSCL
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong kinh tế vùng, cần đặc biệt quan tâm đến hạ tầng khu vực ĐBSCL, nhất là sớm triển khai một số tuyến cao tốc đã quy hoạch.
Vùng KTTĐ ĐBSCL có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng có trình độ phát triển chưa cao, cần phát triển mạnh mẽ các ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt các loại nông sản chủ lực, tôm, cá tra, trái cây... Phát triển mạnh mẽ công nghiệp chế biến. Thực hiện tốt Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL, ứng phó biến đổi khí hậu.
Bình luận (0)