Những ngày cuối tháng 5-2022, đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương (thuộc Đoàn công tác số 8 năm 2022) đã vượt hải trình trên 1.000 hải lý, đến thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và nhà giàn DK1.
Giữ mãi một màu xanh
Đặc biệt hơn, chuyến công tác của đoàn Ban Tuyên giáo Trung ương đúng vào dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong chuyến đi này, đoàn đã có dịp chứng kiến cán bộ, chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa trong điều kiện càng khó khăn càng nêu cao tinh thần học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Chiến sĩ trên đảo Đá Nam chăm sóc vườn rau xanh .Ảnh: MINH CHIẾN
Trên mỗi điểm đảo đi qua, câu chuyện lính đảo học tập và làm theo lời Bác đều để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng mỗi thành viên đoàn công tác. Đó cũng là mục tiêu, động lực để mỗi cán bộ, chiến sĩ phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Giữa biển khơi, từ bàn tay, công sức của cán bộ, chiến sĩ, các đảo của quần đảo Trường Sa đều phủ một màu xanh, trong đó có đảo Song Tử Tây - điểm dừng chân đầu tiên của đoàn công tác. Cơn bão số 9 (tên quốc tế là Rai) vào cuối năm 2021 quét qua đã khiến 90% cây xanh tại đảo Song Tử Tây bị gãy đổ.
Chia sẻ với phóng viên, thượng tá Trần Văn Hùng, Chính trị viên đảo Song Tử Tây, nói với quyết tâm "phủ xanh" trở lại cho đảo, cán bộ, chiến sĩ đã tích cực khôi phục, dựng lại các gốc cây bị bão quật ngã và trồng mới thêm.
Ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương (thứ 2 từ phải qua), thăm hỏi, tặng sách cho cán bộ trên đảo Trường Sa.Ảnh: MINH PHONG
Với nỗ lực đó, đã có rất nhiều cây xanh trên đảo Song Tử Tây được trồng lại sau khi bật gốc như bàng vuông, phong ba, tra, bão táp. Ngoài ra, cán bộ, chiến sĩ trên đảo còn trồng thêm các loại hoa, cây cảnh để tạo không gian cho đảo.
"Đối với cán bộ, chiến sĩ trên đảo, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh là từ những hành động nhỏ nhất. Đó là việc giữ cho đảo luôn xanh - sạch - đẹp, trồng thêm nhiều cây xanh để phủ bóng mát, làm dịu đi thời tiết nắng nóng ở đây" - thượng tá Trần Văn Hùng chia sẻ.
Trên đảo cũng thường xuyên phát động phong trào "Tết trồng cây", xây dựng mô hình "Vườn cây thanh niên" để đảo thêm xanh. Những ai đã đặt chân lên đảo Song Tử Tây cũng như các điểm đảo khác trên quần đảo Trường Sa đều ngỡ ngàng trước không gian xanh - sạch - đẹp. Để có được màu xanh đó, các chiến sĩ phải mang từng bao tải đất từ trong đất liền ra để ươm và trồng cây, chăm sóc từng ngày trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Học Bác từ những việc rất nhỏ
Trên đảo Đá Tây C, đại úy Nguyễn Duy Trình, Chính trị viên, cho biết việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được cán bộ, chiến sĩ xác định là một nội dung thiết thực nhất trong học tập và làm theo lời Bác.
"Đóng quân xa đất liền, nước ngọt hạn chế nên trong sinh hoạt, chúng tôi luôn nhắc nhở việc tiết kiệm nước ngọt, tận dụng lại nước ngọt để phục vụ cho việc trồng, tưới rau xanh trên đảo" - đại úy Trình nói và cho biết lính đảo học tập Bác Hồ từ những điều rất đơn sơ, nhỏ bé như vậy. Với nguồn nước ngọt tận dụng từ sinh hoạt hằng ngày này, điểm đảo trồng rau để thêm thực phẩm tươi xanh cho bữa ăn hằng ngày của cán bộ, chiến sĩ.
Đoàn công tác thăm hỏi, động viên người dân trên quần đảo Trường Sa .Ảnh: MINH PHONG
Giữa trùng khơi, trong điều kiện thời tiết trên 300 ngày nắng trong năm nhưng dưới bàn tay chăm sóc tỉ mỉ, vun trồng từng khoảnh đất nhỏ, những luống rau xanh vẫn vươn mình mơn mởn, góp phần cải thiện bữa ăn của người lính đảo.
Chiến sĩ Lê Ngọc Duy Minh ở đảo Đá Nam cho biết đảo có rất nhiều ngày nắng, cộng thêm gió biển nên việc trồng rau xanh phải chăm chút tỉ mỉ, rào chắn cẩn thận để tránh gió biển làm rau chết. Trong sinh hoạt, tận dụng từng xô nước nhỏ để tưới rau. Mỗi ngày, sau nhiệm vụ công tác, chăm sóc khu vườn nhỏ trên các đảo là niềm vui của cán bộ, chiến sĩ, là thời điểm để cùng nhau tâm sự những chuyện trong cuộc sống đời thường.
Giữa trùng khơi, điện mặt trời và điện gió đã thắp sáng các điểm đảo và nhà giàn. Có dịp đến với các đảo chìm, đảo nổi trên quần đảo Trường Sa, sẽ rất ấn tượng với hệ thống năng lượng tái tạo. Hệ thống năng lượng điện tại các đảo không chỉ cung cấp nguồn điện sinh hoạt, cải thiện căn bản đời sống chiến sĩ, nhân dân trên đảo mà còn là nhiệm vụ chính trị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững chủ quyền quốc gia. Việc sử dụng tiết kiệm điện, đặc biệt trong sinh hoạt, luôn được các cán bộ, chiến sĩ trên các đảo đặt lên hàng đầu.
Thượng tá Lê Trọng Thông, Chính trị viên đảo Sinh Tồn, cho biết đơn vị luôn quán triệt cán bộ, chiến sĩ nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc sử dụng điện có hiệu quả nhất, tiết kiệm nhất.
"Tất cả cán bộ, chiến sĩ luôn tự giác tắt các thiết bị điện khi không dùng, xem đó là ý thức tổ chức kỷ luật. Các phòng làm việc, sinh hoạt đều được dán thông báo nhắc nhở tắt thiết bị khi không sử dụng để nâng cao ý thức trong việc tiết kiệm điện" - thượng tá Lê Trọng Thông cho hay.
Luôn chủ động, sẵn sàng
Nhắc lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng "Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó", thượng tá Trần Văn Hùng nói mỗi cán bộ, chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây luôn khắc ghi lời dặn của Bác Hồ, lấy đó làm động lực phấn đấu, rèn luyện về bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống, luôn sẵn sàng chiến đấu vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Thượng tá Lê Trọng Thông cho biết trên đảo luôn đưa việc học tập và làm theo đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành hoạt động thường xuyên, có chiều sâu, hiệu quả thiết thực trong từng lời nói, việc làm hằng ngày của cán bộ, chiến sĩ.
Để tạo sự chuyển biến về nhận thức trong học tập và làm theo lời Bác, Đảng ủy, chỉ huy đảo đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ.
Chiến sĩ Phạm Đình Trung đã có 3 tháng làm nhiệm vụ trên đảo Núi Le chia sẻ mỗi chiến sĩ trên đảo luôn nêu cao tinh thần học tập và làm theo lời Bác. Chiến sĩ Trung cho biết bản thân luôn cố gắng trong quá trình công tác, không ngừng rèn luyện và giúp đỡ các chiến sĩ khác trong đơn vị hoàn thành nhiệm vụ của cấp trên giao.
Chia sẻ với nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của các cán bộ, chiến sĩ tại các điểm đảo, đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương đã thăm hỏi, tặng quà, nắm tình hình tư tưởng, đời sống sinh hoạt.
Tại Đồn Biên phòng Trường Sa (thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa); trạm Rađa 11, Trung đoàn 292, Sư đoàn 377 thuộc Quân chủng Phòng không, ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đã động viên và nhấn mạnh bày tỏ tin tưởng cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa luôn duy trì nghiêm chế độ trực, quan sát, phát hiện kịp thời các hoạt động trên không, trên biển; luôn đề cao tinh thần cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, làm tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Tại chuyến công tác, Chuẩn đô đốc Phạm Như Xuân, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân, nhấn mạnh mặc dù điều kiện ở các đảo, nhà giàn còn nhiều khó khăn nhưng cán bộ, chiến sĩ vẫn luôn đoàn kết vượt qua, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Cấp ủy, chỉ huy đơn vị luôn giáo dục, rèn luyện cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc tình hình nhiệm vụ, xây dựng niềm tin, niềm tự hào dân tộc, ý chí quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Theo Chuẩn đô đốc Phạm Như Xuân, các đơn vị luôn duy trì nghiêm chế độ trực, quan sát, phát hiện kịp thời các hoạt động trên không, trên biển, xử lý đúng đối sách, không để sót, lọt mục tiêu; luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao và không bị bất ngờ trước mọi tình huống.
Điểm tựa cho ngư dân bám biển
Ngoài nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, thượng tá Lê Trọng Thông cho biết cán bộ, chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn luôn xác định còn là chỗ dựa vững chắc của ngư dân vươn khơi bám biển. Đặc biệt, khi ngư dân có sự cố trên biển hoặc ốm đau thì cán bộ, chiến sĩ đều hỗ trợ tối đa để ngư dân yên tâm.
Trên quần đảo Trường Sa, một số đảo đã có âu tàu thực hiện các dịch vụ hậu cần nghề cá và là điểm giúp ngư dân tránh trú bão, điểm tựa cho ngư dân vững tin hơn khi vươn khơi bám biển, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Bình luận (0)