Có mặt tại sự kiện khánh thành hầm chui An Sương ngày 19-9, đại diện lãnh đạo huyện Hóc Môn, TP HCM đã không giấu được niềm vui. Vị lãnh đạo cho rằng đây thực sự là dấu mốc quan trọng, một lần nữa khẳng định chính quyền TP HCM đang ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông cho cửa ngõ Tây Bắc, trong đó huyện Hóc Môn là trung tâm.
Rộng đường phát triển
Không chỉ lãnh đạo huyện Hóc Môn vui mừng, sau 2 ngày khánh thành, gặp chúng tôi, bà Trần Yến Thu (nhà gần Bến xe An Sương, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) hào hứng nói 2 ngày qua đường sá thông thoáng, bụi giảm hẳn, hàng ăn của gia đình bà cũng tươm tất, đắt khách hơn. Theo bà, hạ tầng giao thông phát triển thì hiển nhiên các dự án khu dân cư, trung tâm mua sắm, dịch vụ vui chơi, giải trí đua nhau hình thành, việc mua bán, kinh doanh của người dân thuận lợi hơn là lẽ đương nhiên.
Tương tự, đằng sau dự án mở rộng đường Tô Ký (trục kết nối quan trọng của huyện Hóc Môn) đang được gấp rút thi công là rất nhiều dự định làm ăn của cư dân quanh tuyến đường này. "Đường sau khi được mở rộng thì phải nói là "sướng như tiên". Chỉ cần có nhà mặt tiền thì không phải lo đến chuyện cơm áo gạo tiền nữa!" - bà Nguyễn Như Hòa đang mong ngóng con đường hoàn tất việc mở rộng từng ngày để mở rộng hoạt động kinh doanh ăn uống của gia đình.
Dự án mở rộng đường Tô Ký đang được gấp rút thi công Ảnh: MINH CHÂU
Vui nhất có lẽ là cư dân trên đường Tỉnh lộ 9 (đường Đặng Thúc Vịnh, đoạn từ đường Lê Văn Khương đến đường Tô Ký; dài 5,2 km, mở rộng bề mặt đường từ 7-8 m lên 30 m) khi dự án nâng cấp mở rộng đang dần về đích. "Bộ mặt đô thị rồi sẽ khang trang khi con đường không còn cảnh ngập nước, kẹt xe. Tuyến đường quan trọng kết nối Hóc Môn, Củ Chi với các tỉnh Long An, Bình Dương này rồi đây sẽ làm điểm nhấn cho phát triển của Hóc Môn trong giai đoạn bứt phá đi lên" - ông Nguyễn Thanh Hoàng (cán bộ hưu trí, ngụ đường Đặng Thúc Vịnh) đánh giá.
Nói đến kết nối hạ tầng ở Hóc Môn thì không thể không nhắc đến dự án đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài. Đường cao tốc này khi hoàn thành đưa vào sử dụng cùng với hầm chui An Sương giúp các phương tiện giao thông có thể đi với tốc độ nhanh và an toàn hơn đến với các khu kinh tế cửa khẩu, đô thị vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế của vùng và khu vực ASEAN (Bangkok - Phnom Penh - TP HCM)... Đây cũng là nền tảng tạo cú hích phát triển cho khu đô thị Tây Bắc (gồm Hóc Môn và Củ Chi).
Gấp rút hoàn thành quy hoạch chi tiết 1/2.000
Ông Trần Văn Khuyên, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn, nhấn mạnh 5 năm trở lại đây, về hạ tầng đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển của huyện Hóc Môn. Cụ thể, đường giao thông không ngừng được nâng cấp, mở rộng; hơn 70 trường (cấp I, II, III) được xây dựng mới; trụ sở cơ quan, đơn vị đáp ứng được nhu cầu của một đô thị đang trên đà bứt phá đi lên… Nhiệm kỳ vừa qua, kinh tế huyện tăng trưởng ổn định, bình quân đạt 15,71%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng thương mại - dịch vụ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp. Trong đó thương mại - dịch vụ có xu hướng tăng (chiếm tỉ trọng 38,18%), công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (56,68%), nông nghiệp có xu hướng giảm (5,15%) và hiện tại, trên địa bàn huyện có đến 10.451 doanh nghiệp đang hoạt động…
Theo Bí thư Huyện ủy Hóc Môn, quá trình đô thị hóa ở các huyện ngoại thành TP HCM, trong đó có Hóc Môn, đang diễn ra nhanh chóng. "Do đó, việc phải sớm hoàn thành quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỉ lệ 1/2.000 (qua đó, các tổ chức, doanh nghiệp làm cơ sở để triển khai lập và quản lý quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỉ lệ 1/500 - PV) để huyện Hóc Môn phát triển theo định hướng lên quận là vô cùng quan trọng. Bởi khi quy hoạch hoàn thành sẽ tạo điều kiện cho người dân làm giàu trên chính mảnh đất của mình" - ông Trần Văn Khuyên nhấn mạnh.
Không chỉ người đứng đầu Đảng bộ huyện Hóc Môn mong muốn mà người dân sinh sống trên địa bàn cũng mong sớm hoàn thành quy hoạch chi tiết 1/2.000. "Tuy gọi là huyện nhưng đường sá rộng, nhà cửa mọc lên san sát, nhiều siêu thị, cửa hàng tiện ích được xây dựng mới không khác gì quận" - bà Nguyễn Thị Hoa, xã Xuân Thới Sơn, nhận xét.
Những việc cần làm ngay
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Trần Lưu Quang cho rằng huyện Hóc Môn cần chú trọng triển khai thực hiện tốt đề án "Đầu tư xây dựng huyện Hóc Môn đạt hệ thống các tiêu chí để trở thành quận trong 10 năm tới".
Theo đó, phải tập trung huy động các nguồn vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng giao thông, thoát nước. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch phải đi trước một bước để chuẩn bị tốt nhất cho quá trình chuyển mình của huyện thành quận mới hiện đại, thông minh, xanh, phát triển hài hòa, bền vững cả về kinh tế - xã hội, môi trường. Ngoài ra, ông Trần Lưu Quang cũng yêu cầu Đảng bộ và nhân dân huyện Hóc Môn cần nhận thức và luôn có ý thức sâu sắc, đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng huyện Hóc Môn thành quận. Đây là thời cơ và cơ hội thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển toàn diện của huyện. Do đó, huyện phải kế thừa, phát huy mạnh mẽ kết quả đạt được trong 5 năm qua, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực của huyện. Đồng thời, tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo cùng các cơ chế, chính sách của TP, sự hỗ trợ giúp đỡ của các sở, ban, ngành TP để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Đặc biệt, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM lưu ý ngay từ bây giờ, Hóc Môn cần quan tâm bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân; chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp gắn với xây dựng chính quyền đô thị…
Nhật ký người trong cuộc!
Ngồi nhâm nhi ly cà phê nhìn ra đường Phan Văn Hớn, ông Nguyễn Văn Thành (60 tuổi, ngụ xã Bà Điểm) nói trước đây, cứ mùa mưa đến là người dân phải lội bì bõm trong nước cống khi qua đoạn đường này. Nhưng 3 năm nay, con đường được nâng cấp mở rộng có vỉa hè, lắp đặt hệ thống thoát nước, đường hết ngập, người dân rất phấn khởi. Giá đất lên, bà con cho thuê mặt bằng nên đời sống khá hơn hẳn.
Cùng với đường Phan Văn Hớn, đường Song Hành quốc lộ 22 đi qua các xã Tân Xuân, Xuân Thới Đông, Tân Hiệp của huyện Hóc Môn cũng là con đường mở mang kinh tế cho dân. Hơn 60 năm gắn bó với mảnh đất này, cụ Nguyễn Thị So (xã Tân Hiệp, 75 tuổi) bồi hồi kể khu này trước đây toàn đồng trống. Những cánh đồng nước ngập trắng trời, ếch nhái kêu rền, băng qua những cánh đồng chỉ có một con đường đất đỏ ngang 3-4 m, mùa mưa rất khổ. Từ khi con đường được trải nhựa, trồng cây xanh mát rượi, hàng quán hai bên đường mọc lên khang trang, sạch sẽ, thu hút người dân đến đây vui chơi, giải trí. Nhìn những cảnh này, người già như bà cũng vui lây.
Không chỉ những trục đường chính mà hàng chục đường nhánh được trải nhựa trong chương trình xây dựng nông thôn mới đã nâng chất bộ mặt đô thị cho huyện Hóc Môn. Những con đường XTT 9, XTT 20, XTT 19 (xã Xuân Thới Thượng) hay ĐT 2, ĐT 5, ĐT 6... (xã Đông Thạnh) với tên gọi tắt khiến người lạ đến chau mày vì khó hiểu đã trở thành niềm tự hào của người dân Hóc Môn vì mang lại cơ hội làm ăn, đổi đời cho họ.
Hè năm ngoái, về thăm quê nhà, cậu tôi - ông Nguyễn Văn Tôn (định cư ở Mỹ từ năm 1985) - cứ trầm trồ ngạc nhiên vì không nhận ra "18 thôn vườn trầu" xưa, từ đường sá đến những khu dân cư mới dễ dàng làm lạc bước người con xa xứ. Ông khen quy hoạch đô thị đã bài bản hơn trước. Cứ vài cây số lại có một ngôi trường khang trang, chợ búa cũng rải đều, nhiều khu dân cư mới tươm tất hơn. Đặc biệt, khi đến UBND xã làm giấy tờ, chứng thực một số việc liên quan đất đai, cậu tôi khá hài lòng vì được cán bộ hướng dẫn tận tình, phong cách chuyên nghiệp.
Với những gì đang diễn ra, tôi tin ngày Hóc Môn trở thành quận không còn xa!
Thu Hồng
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 21-9
Kỳ tới: Sức bật mang tên Bình Chánh
Bình luận (0)