Ngày 30-6, nguồn tin của Báo Người Lao Động cho biết, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Quảng Trị- Chi nhánh huyện Đakrông đã bàn giao hàng chục giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (hay còn gọi là "sổ đỏ") cho hàng chục hộ dân trên địa bàn xã Ba Lòng, huyện Đakrông. Tuy nhiên, trước khi nhận được "sổ đỏ", nhiều hộ dân đã nộp cho UBND xã Hải Phúc (đã sáp nhập vào xã Ba Lòng vào tháng 3-2020) với số tiền từ 2 - 30 triệu đồng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ có 9 hộ dân ở thôn Tân Trà cũ (nay cùng các thôn Thạch Xá, Văn Vận sáp nhập thành thôn Tân Xá, xã Ba Lòng), mà còn có nhiều hộ dân ở thôn Thạch Xá cũ và Hà Lương đã nộp tiền cho UBND xã Hải Phúc để được cấp "sổ đỏ".
Sau khi nộp tiền, một số người dân được cán bộ xã Hải Phúc viết giấy biên nhận sơ sài.
Đơn cử, bà Cao Thị Thủy (59 tuổi, ngụ thôn Thạch Xá cũ) đã nộp cho UBND xã Hải Phúc 30 triệu đồng để được sở hữu thửa đất rộng 2,5 ha mà gia đình đã canh tác ổn định nhiều năm nay. Sau khi thu tiền cán bộ địa chính xã Hải Phúc viết cho bà Thủy giấy biên nhận với lý do thu tiền là tiền mượn đất.
Bà Hoàng Thị Bê (49 tuổi, ngụ thôn Hà Lương, xã Ba Lòng) khẳng định, đã nộp cho UBND xã Hải Phúc 8 triệu đồng để được làm "sổ đỏ" cho thửa đất rộng khoảng 0,7 ha. Theo bà Bê, lúc đầu cán bộ địa chính xã Hải Phúc điện thoại yêu cầu gia đình bà phải nộp 10 triệu để làm "sổ đỏ". "Nhưng thấy tôi lâu nộp tiền nên họ nói nộp 8 triệu cũng được"- bà Bê nói.
Ngoài bà Thủy, bà Bê, ông Nguyễn Hồng Vĩnh (41 tuổi, ngụ thôn Hà Lương) cũng nộp cho xã Hải Phúc 5 triệu đồng để được cấp "sổ đỏ" cho thửa đất rộng hơn 1 ha. Các hộ dân trên cho hay, việc nộp tiền là do xã yêu cầu chứ không phải "tự nguyện đóng góp" hay "bồi dưỡng" cho cán bộ.
Trước đó, một lãnh đạo UBND huyện Đakrông thông tin, nguyên lãnh đạo UBND xã Hải Phúc tường trình có thu tiền của 9 hộ dân ở thôn Tân Trà cũ. Việc thu, chi số tiền này không qua kho bạc nhà nước mà xã này tự linh động. Ông Hồ Xuân Hoàng, Chủ tịch UBND xã Ba Lòng (trước đây là Chủ tịch UBND xã Hải Phúc) cho hay, sau khi thu tiền của 9 hộ dân ở thôn Tân Trà cũ, xã này đã trả nợ quán xá và góp vốn đối ứng để xây dựng nhà văn hóa Tà Lang.
Theo ông Hoàng, người dân đã "tự nguyện đóng góp" chứ không có chuyện xã yêu cầu hay ép buộc. Trong khi đó, theo nhiều người dân, UBND xã Hải Phúc đã yêu cầu họ đóng 15 triệu đồng/ha đất sản xuất. Vì sợ xã thu hồi lại diện tích đất sản xuất đã canh tác lâu nay nên nhiều hộ buộc phải nộp tiền cho xã.
Bình luận (0)