Ngày 7-4, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh này, đã ký văn bản về việc đình chỉ hoạt động của một số cơ sở sản xuất bột giấy và giấy vàng mã trên địa bàn huyện Quan Hóa và huyện Bá Thước do xả thải ra môi trường gây cá chết hàng loạt trên sông Mã.
Số cá lồng và cá tự nhiên chết dọc sông Mã được xác định lên tới 6,5 tấn
Công văn nêu rõ theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) ngày 3-4, về việc kiểm tra tình hình cá chết bất thường trên sông Mã (huyện Bá Thước), trong đó bước đầu xác định nguyên nhân do xả thải của một số cơ sở sản xuất chưa qua xử lý.
Từ đó, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo đình chỉ hoạt động sản xuất bột giấy, giấy vàng mã của Công ty TNHH Tân Thái Thanh, hộ gia đình bà Phạm Thị Loan, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Đồng Tâm và HTX Sông Mã, kể từ ngày 6-4.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Công an tỉnh Thanh Hóa chủ trì, phối hợp với Sở TN-MT, UBND các huyện Quan Hóa, Bá Thước và các đơn vị liên quan tiến hành điều tra, xác minh, xử lý vi phạm đối với các cơ sở sản xuất nêu trên theo thẩm quyền...
Đồng thời, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện Quan Hóa, Bá Thước chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan đã không kịp thời kiểm tra, giám sát, ngăn chặn, để các cơ sở sản xuất bột giấy và giấy vàng mã xả nước thải không đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường nước sông Mã.
Cá chết nguyên nhân ban đầu được xác định do xả thải gây ra
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, những ngày đầu tháng 4-2020, nhiều loại cá tự nhiên, tôm, cua... chết la liệt bất thường trôi dạt vào bờ sông Mã, kéo dài hàng km về phía hạ lưu đoạn qua huyện Bá Thước. Người dân nghi ngờ cá chết do các nhà máy dọc sông xả thải.
Vào cuộc làm rõ, UBND huyện Bá Thước xác định hiện tượng cá chết trên sông Mã bắt đầu xảy ra vào ngày 31-3, tại địa phận các xã Thiết Ông, Thiết Kế, Ban Công và thị trấn Cành Nàng. Sau đó, những ngày tiếp theo, tỉ lệ cá chết từ 50 đến 100% tiếp tục xảy ra, hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng.
Qua kiểm tra hiện trường vào ngày 2-4, lực lượng chuyên môn nhận thấy hầu hết các loại cá chết là thủy sản tự nhiên (cá da trơn, tôm) và thủy sản nuôi lồng như cá trắm, cá mè, cá rô phi… Các loại này đều có chung biểu hiện sạch nhớt, vây đỏ, ngạt khí, bỏ ăn. Còn nước sông có màu xanh đậm. UBND huyện Bá Thước đã thống kê và xác định có khoảng 6,5 tấn cá bị chết (trong đó cá nuôi lồng khoảng 4,5 tấn, tôm cá tự nhiên khoảng 2 tấn).
Bình luận (0)