Chiều 11-12, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tổ chức hội thảo góp ý kiến xây dựng "Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (MXH) cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng MXH, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam".
Tại Việt Nam, Bộ TT-TT đã cấp giấy phép hoạt động cho 436 mạng xã hội, như: Facebook, YouTube, FB Messenger, Zalo, Google+, Mocha… Facebook hiện có khoảng 55 triệu thành viên, chiếm 57% dân số và Việt Nam xếp thứ 7/10 quốc gia có số người sử dụng Facebook nhiều nhất thế giới.
Theo khảo sát của Chương trình nghiên cứu internet và xã hội (VPIS), các trường hợp phát ngôn gây thù ghét của người sử dụng MXH tại Việt Nam thể hiện tập trung vào: nói xấu, phỉ báng (61,7%); vu khống, bịa đặt thông tin (46,6%); kỳ thị dân tộc (37,01%); kỳ thị giới tính (29,03%); kỳ thị khuyết tật (21,76%); kỳ thị tôn giáo (15,09%). "Những nguồn năng lượng xấu này đang dần che mờ những mặt tích cực do internet và MXH mang lại" - báo cáo nghiên cứu đánh giá.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh bên cạnh các tác động tích cực, môi trường mạng đã trở thành một không gian truyền bá những thông tin xấu, độc, xuyên tạc chính sách của Đảng và nhà nước, đả kích chế độ, gây chia rẽ, thù hằn dân tộc, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của cá nhân, ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi hợp pháp của tổ chức. Bên cạnh những quy định của pháp luật, cần phải có một khuôn khổ thể chế "mềm" để bổ sung cho các khung pháp lý chính thức của nhà nước. "Do vậy, việc nghiên cứu, xây dựng, ban hành một Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH, với nội dung cốt lõi là những chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên MXH theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, là rất cần thiết với tình hình hiện nay" - ông Bảo nói.
Ông Đỗ Quý Vũ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược TT-TT (Bộ TT-TT), cho rằng các ứng xử trên MXH cần được điều tiết như ứng xử ở xã hội thực tại và phải dùng những hình thức chế tài, áp dụng những chuẩn mực như ở ngoài xã hội thật.
Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH có những quy tắc mà nhà cung cấp dịch vụ MXH, người sử dụng dịch vụ MXH phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi vi phạm. Bộ quy tắc đưa ra 4 quy tắc chung bao gồm: tôn trọng, trách nhiệm, lành mạnh và an toàn. Ngoài các quy tắc chung này, còn có các quy tắc riêng đối với các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ phải tuân thủ, theo các mức độ: nên/không nên; được/không được; phải/không được.
Không có chế tài, khó xử lý
Theo PGS-TS Nguyễn Thị Trường Giang, Trưởng Khoa Phát thanh - Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, trong nhiều trường hợp, MXH đang chiếm ưu thế so với các phương tiện truyền thông truyền thống trong việc định hướng, dẫn dắt dư luận xã hội, đặc biệt là ở các vụ việc nhạy cảm. Tuy nhiên, bộ quy tắc ứng xử chung này không có chế tài để xử lý vi phạm. "Nếu không có chế tài cụ thể thì sẽ xử lý vi phạm thế nào? Như vậy sẽ rất khó để có tuân thủ" - bà Giang nói.
Bình luận (0)