Với bản dự thảo hoàn chỉnh mới nhất này, có thể thấy có nhiều điểm mới và tạo được sự đồng thuận cao với các bộ, ngành, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, công bằng trong hoạt động kinh doanh vận tải, đồng thời không làm ảnh hưởng đến việc ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động kinh doanh vận tải.
Gắn "mào" chống trá hình
Một trong những điểm mới nhất của dự thảo là việc quy định đối với xe kinh doanh hợp đồng điện tử cũng phải gắn mào (hộp đèn). Đối với ôtô có sức chứa dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử phải có hộp đèn với chữ "xe hợp đồng" gắn cố định trên nóc xe, kích thước hộp đèn tối thiểu 12 cm x 30 cm.
Theo văn bản giải trình ngày 14-6 của Bộ Giao thông Vận tải gửi Thủ tướng Chính phủ, việc bổ sung này nhằm bảo đảm quản lý đúng loại hình kinh doanh vận tải, xác định rõ hình thức ứng dụng hợp đồng điện tử đối với loại hình kinh doanh taxi, đồng thời để phân biệt với xe cá nhân không kinh doanh vận tải. Việc nhận diện này cũng nhằm ngăn chặn các xe cá nhân lợi dụng kẽ hở pháp luật để kinh doanh vận tải trá hình, giúp cơ quan quản lý tổ chức giao thông đô thị tốt hơn, nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM. Ngoài ra, quy định này còn bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng trong hoạt động vận tải.
Theo giải trình này, quy định về việc gắn hộp đèn cho xe hợp đồng được sự đồng thuận cao của các bộ ngành, địa phương và phù hợp với quy định ở một số quốc gia.
Đối với quy định về hợp đồng điện tử, dự thảo quy định chặt chẽ hơn so với Nghị định 86 và Thông tư 63. Theo đó, hợp đồng điện tử phải có đầy đủ tên của doanh nghiệp vận tải, lái xe, hành khách gồm: tên, địa chỉ, điện thoại, mã số thuế, người đại diện ký hợp đồng; số xe, tên tuổi, điện thoại người lái xe; phải xuất hóa đơn điện tử đến người đi và gửi dữ liệu về cơ quan thuế theo quy định của Bộ Tài chính; dữ liệu của hợp đồng điện tử phải được lưu trữ tối thiểu 3 năm và trích xuất đầy đủ theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Minh bạch, rõ ràng hơn
Trước đây, việc xác định thế nào là doanh nghiệp kinh doanh vận tải còn thiếu sự rõ ràng, dẫn đến việc một số doanh nghiệp sử dụng phần mềm gọi xe công nghệ thực hiện các hoạt động kinh doanh vận tải nhưng không chịu sự điều chỉnh của pháp luật vận tải. Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, nhất là doanh nghiệp taxi truyền thống, phản ứng gay gắt, thậm chí khởi kiện ra tòa như vụ kiện giữa Vinasun và Grab kéo dài hàng năm trời. Với dự thảo mới nhất, nếu được thông qua, khái niệm về kinh doanh vận tải và cung ứng nền tảng phần mềm sẽ minh bạch, rõ ràng hơn.
Theo điều 3 của dự thảo, kinh doanh vận tải bằng ôtô là "việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi. Với quy định này, chỉ cần doanh nghiệp thực hiện một công đoạn trong số các công đoạn chính của hoạt động vận tải thì doanh nghiệp đó được xác định là hoạt động kinh doanh vận tải. Điều này là công bằng và phù hợp với thực tiễn, tháo gỡ được những vướng mắc hiện nay.
Theo khoản 19, điều 3 dự thảo, "đơn vị cung cấp nền tảng công nghệ trong hoạt động kinh doanh vận tải là đơn vị cung cấp phần mềm cho đơn vị kinh doanh vận tải để kết nối với hành khách, sử dụng công nghệ số giúp hành khách có nhu cầu vận tải tìm được đơn vị kinh doanh vận tải có khả năng cung cấp dịch vụ vận tải. Tất cả giao dịch đều diễn ra trong môi trường số. "Như vậy, doanh nghiệp cung cấp nền tảng công nghệ trong hoạt động kinh doanh vận tải chỉ được cung cấp phần mềm cho các đơn vị vận tải, không được thực hiện bất kỳ công đoạn nào của đơn vị kinh doanh vận tải. Với quy định này, dự thảo đã trả về đúng bản chất cho doanh nghiệp cung cấp nền tảng công nghệ.
Bộ Giao thông Vận tải đề xuất xe kinh doanh hợp đồng điện tử phải gắn mào (hộp đèn). Ảnh: TẤN THẠNH
Dùng phần mềm gọi xe, tính cước: Kinh doanh taxi
Theo điều 6 của dự thảo, có hai hình thức kinh doanh vận tải bằng taxi gồm: taxi sử dụng đồng hồ tính tiền và taxi sử dụng phần mềm để đặt xe, hủy chuyến, tính cước chuyến đi (sau đây gọi là phần mềm tính tiền). Đối với taxi sử dụng đồng hồ tính tiền hay sử dụng phần mềm đều phải chịu sự điều chỉnh chung là taxi. Những doanh nghiệp như Grab, Be hay các doanh nghiệp khác nếu thực hiện một công đoạn vận tải thì cũng được xác định là kinh doanh taxi.
Đối với xe kinh doanh taxi bằng phần mềm tính tiền phải có thiết bị kết nối trực tiếp với hành khách để đặt xe, hủy chuyến; tiền cước chuyến đi được tính theo quãng đường xác định trên bản đồ số.
Đặc biệt, dự thảo quy định phần mềm tính tiền phải bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, thông báo hoặc đăng ký với Bộ Công Thương theo quy định; giao diện dành cho hành khách phải có tên hoặc biểu trưng (logo) của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải và phải cung cấp cho hành khách trước khi thực hiện vận chuyển các nội dung tối thiểu gồm: tên đơn vị kinh doanh vận tải, họ và tên lái xe, biển kiểm soát xe, hành trình, cự ly chuyến đi (km), tổng số tiền hành khách phải trả và số điện thoại giải quyết phản ánh của hành khách. Kết thúc chuyến đi, doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng phần mềm tính tiền phải gửi (qua phần mềm) hóa đơn điện tử của chuyến đi cho hành khách, đồng thời gửi về cơ quan thuế các thông tin của hóa đơn theo quy định của bộ trưởng Bộ Tài chính.
. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải NGUYỄN VĂN THỂ:
Cạnh tranh như nhau
Trong Nghị định 86 sửa đổi, chúng tôi đề xuất taxi công nghệ gắn mào để các cơ quan chức năng khi nhìn lướt qua biết được là taxi và taxi hợp đồng điện tử hoặc taxi công nghệ.
Ngoài ra, xe hợp đồng điện tử, taxi công nghệ, taxi truyền thống hồ sơ thủ tục như nhau nên tất cả xe như Grab hoạt động ở Việt Nam phải đăng ký, đăng kiểm, chịu trách nhiệm trước lái xe, hành khách và các thủ tục như taxi truyền thống. Taxi truyền thống hãng lớn như Vinasun, Mai Linh đều sử dụng công nghệ như Grab nên họ hoạt động song song. Nếu gọi truyền thống họ cũng phục vụ và kết nối họ cũng phục vụ.
Chúng tôi hy vọng Nghị định 86 (sửa đổi) sớm được ban hành và khi ban hành, chúng ta sẽ hủy Quyết định 24. Lúc đó, taxi công nghệ và taxi truyền thống cạnh tranh như nhau; taxi truyền thống cũng được lắp các thiết bị công nghệ để phục vụ hành khách. Các cơ quan nhà nước sẽ bảo đảm một sân chơi công bằng cho tất cả doanh nghiệp trong và ngoài nước.
. Ông NGUYỄN CÔNG HÙNG, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội:
Sân chơi đã công bằng
Với dự thảo lần thứ 8 và sau khi ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông, chúng tôi cho rằng trong khi chờ sửa Luật Giao thông đường bộ thì dự thảo Nghị định 86 sửa đổi trình Chính phủ đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý các loại hình vận tải, đặc biệt trong đó là loại hình vận tải taxi truyền thống và taxi công nghệ, sau khi đã tiếp thu khá toàn diện ý kiến của các bộ, ngành, hiệp hội có liên quan với tinh thần cầu thị.
Tôi cho rằng chỉ khi cơ quan quản lý định danh đúng các loại hình vận tải thì mới có giải pháp quản lý đúng đắn và phù hợp với thực tế. Nó bảo đảm việc các loại hình vận tải có những quyền và các nghĩa vụ phải chấp hành của mình với cơ quan quản lý nhà nước.
Khi có một quy định công bằng, minh bạch hay nói đúng hơn là một sân chơi công bằng, ai ứng dụng công nghệ tốt hơn, quản trị tốt hơn thì thắng, không thì phải chấp nhận thua cuộc. Đó là quy luật.
. Chuyên gia giao thông BÙI DANH LIÊN:
Đi ngược xu thế
Tôi cho rằng việc cơ quan quản lý yêu cầu xe hợp đồng điện tử chở khách dưới 9 chỗ ngồi phải gắn mào để quản lý như taxi truyền thống là đi ngược xu thế, một bước lùi của quản lý nhà nước. Bởi khi cơ quan quản lý bắt taxi công nghệ gắn mào chắc chắn taxi công nghệ sẽ không thể nào cạnh tranh nổi với taxi truyền thống.
Khi các nhà quản lý cho rằng taxi công nghệ là một loại hình vận tải nên phải quản lý taxi công nghệ như taxi truyền thống, đó rõ ràng là một bước lùi về tư duy trong quản lý.
Văn Duẩn ghi
Bình luận (0)