Nghị quyết 98 trao quyền cho TP HCM quyết số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Cán bộ cơ sở đang rất mong cơ chế này sớm áp dụng.
Người dân mong muốn TP HCM sẽ có giải pháp để tối ưu cả về số lượng lẫn chất lượng cán bộ
Một sáng cuối tháng 8-2023, chúng tôi đến UBND phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP HCM. Lúc này, ông Trương Công Dũng, cán bộ tư pháp - hộ tịch, đang hướng dẫn người dân về thủ tục hành chính. Điện thoại reo, đầu dây bên kia là cán bộ TAND TP HCM đang ở khu phố 4 đề nghị xuống địa bàn cùng thẩm định tài sản tranh chấp. Ông Dũng vội báo cáo lãnh đạo, bước nhanh ra ngoài, lấy xe đi ngay.
Đợi ngày được "chia lửa"
Mỗi ngày giải quyết khoảng 30 hồ sơ tư pháp hộ tịch và ký chừng 200 trường hợp chứng thực chữ ký, sao y, kết thúc tiếp dân lúc 17 giờ, ông Dũng vẫn nán lại phường để xử lý hồ sơ khác. Riêng những báo cáo về cải cách hành chính, soạn thảo tài liệu trình ký, kể cả việc ghi chép nhanh hằng ngày, ông Dũng phải làm ở nhà vào buổi tối.
Ông Dũng kể bên cạnh 21 đầu việc được giao như chứng thực, sao y; xác nhận tình trạng hôn nhân; các thủ tục liên thông… ông còn phải sẵn sàng những nhiệm vụ phát sinh như vận động thi hành án, phối hợp cơ quan tư pháp thẩm định tài sản tranh chấp, định giá, kê biên, niêm yết, cưỡng chế… "Nghe có chủ trương bổ sung cán bộ cho xã, phường, thị trấn, chúng tôi rất mừng khi được "chia lửa". Quan trọng nhất là hồ sơ hành chính của người dân được xử lý nhanh chóng, gọn gàng hơn" - ông Dũng chia sẻ.
Nơi làm việc của ông Trương Công Dũng (bìa phải) trải dài từ trụ sở phường tới khu vực dân cư
Ông Nguyễn Văn Ngân, Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A, cho biết phường có diện tích 465,9 ha gồm 27 khu phố, 372 tổ dân phố với 31.000 hộ, 120.000 nhân khẩu.
Theo ông Ngân, chỉ với 36 cán bộ, công chức (CB-CC), người không chuyên trách phục vụ, sự quá tải công việc không những gây khó khăn trong giải quyết quyền lợi người dân mà còn kéo theo nhiều bất cập khác như công tác quản lý, điều hành; tính chủ động khi ứng phó sự việc phát sinh.
Nhiều phường, xã trên 100.000 dân
Tính đến ngày 31-5-2023, thành phố có 49 phường, xã thị trấn có quy mô dân số từ 50.000 dân trở lên. Trong đó 6 phường, xã quy mô dân số trên 100.000 dân.
Cụ thể, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức (103.125 dân); phường Hiệp Thành, quận 12 (106.517 dân); phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân (120.221 dân); 3 xã Bình Hưng, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B của huyện Bình Chánh lần lượt 111.748, 162.392, 149.428 dân.
Riêng CB-CC được phân công tiếp nhận và xử lý thông tin từ cổng thông tin 1022 càng mệt do có những nội dung phản ánh phải xử lý trong 2 giờ bất kể ngày đêm. Từ đó việc tham mưu công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực đôi khi chưa đi vào chiều sâu, chủ yếu chỉ tập trung giải quyết theo sự vụ; chất lượng phục vụ nhân dân chưa đáp ứng được theo yêu cầu đặt ra.
Trung bình mỗi CB-CC, người không chuyên trách trong phường đảm nhận khoảng 30 đầu việc.
"Đặc biệt có những chức danh như phụ trách kinh tế 45 đầu việc, thủ quỹ - văn thư - lưu trữ 35 đầu việc. Số lượng hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của mỗi CB-CC, người không chuyên trách tại phường năm 2022 là 305 hồ sơ/người/tháng; 6 tháng đầu năm 2023 là 227 hồ sơ/người/tháng" - ông Ngân thông tin và mong muốn sớm triển khai quy định mới về CB-CC theo Nghị quyết 98/2023 (NQ98) của Quốc hội để có biên chế đủ đáp ứng mức độ hài lòng của người dân.
Bất cập khi quá tải nhưng vẫn phải giảm
Theo ghi nhận, thực trạng công việc nhiều khiến cán bộ phục vụ không xuể xảy ra ở nhiều nơi, nhất là trong bối cảnh thành phố thực hiện tinh giản biên chế theo chủ trương từ trung ương.
Ông Phạm Văn Lành - Chủ tịch UBND phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức - cho hay thực hiện Nghị định 34/2019, phường Bình Trưng Đông còn 21 CB-CC và 14 người không chuyên trách. Với số lượng nhân sự như vậy thì hoạt động của phường gặp khó khăn, ai cũng luôn phải "gồng" mình.
Ông Lành dẫn chứng Văn phòng Đảng ủy quy định tối đa 2 người (không chuyên trách) trong khi khối lượng công việc nặng, liên quan đến công tác văn thư, kế hoạch, nghị quyết của Đảng ủy, công tác kiểm tra, giám sát, tổ chức của Đảng.
"Phường Bình Trưng Đông hơn 500 đảng viên thì 2 người không thể làm xuể. Do đó, nhân sự dành cho công tác Đảng đang thiếu" - ông Lành nói. Cũng theo ông Lành, do không có nhân sự chuyên phục vụ công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin nên việc tiếp cận chuyển đổi số của phường đứng trước nhiều khó khăn. "Anh em mang hết kinh nghiệm ra, vừa học hỏi vừa tìm tòi, bản thân lãnh đạo phường cũng phải tự tìm tòi" - ông Lành bày tỏ.
Bên cạnh đó, phường Bình Trưng Đông đang quá trình đô thị hóa rất nhanh nên các công chức phụ trách lĩnh vực đô thị, môi trường luôn "đầu tắt mặt tối". Ngoài công tác chuyên môn ở văn phòng, họ còn phải thực hiện nhiệm vụ ngoài hiện trường như xử lý tình trạng mua bán lấn chiếm lòng, lề đường, kiểm tra giấy phép kinh doanh, kiểm tra phòng cháy chữa cháy… "Với cơ chế, chính sách đặc thù của NQ98, hy vọng nhân sự ở phường được bố trí phù hợp" - ông Lành mong muốn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hải - Chủ tịch UBND phường Linh Xuân, TP Thủ Đức - cho biết khi thực hiện Nghị định 34, một số công chức không đáp ứng được nhu cầu công tác nên chủ động xin chuyển công việc khác. Vì vậy có thời điểm phường thiếu người trầm trọng. Đến tháng 4-2023, phường Linh Xuân mới bổ sung và hoàn chỉnh 35 biên chế trong đó có 21 CB-CC và 14 người không chuyên trách.
Nhưng đến nay phường lại tiếp tục đối diện thách thức mới. Theo ông Hải, từ khi thành lập, TP Thủ Đức đã chú trọng công tác chuyển đổi số. Ở góc độ cơ sở thì phường Linh Xuân phải có bộ phận phụ trách công việc này, tuy nhiên đều là cán bộ kiêm nhiệm. Thời gian qua, TP HCM, TP Thủ Đức tổ chức tập huấn và phường cử nhiều CB-CC đi học để nâng cao kỹ năng về công nghệ thông tin, phục vụ chuyển đổi số, đáp ứng nhu cầu công việc hiện nay. "Thực hiện NQ98, phường mong muốn được tăng cường nhân sự chuyên công nghệ thông tin để bố trí vào bộ phận văn phòng - thống kê nhằm xử lý công việc hiệu quả. Ngoài ra, do yếu tố đặc thù ở địa phương nên bộ phận sao y chứng thực và hộ tịch cũng bị quá tải nên cần tăng cường nhân sự" - ông Hải trăn trở.
Vất vả với đặc điểm "toàn vượt"
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết quận có 10 phường thì đều vượt tiêu chuẩn về quy mô dân số, thấp nhất là 2,2 lần và cao nhất là vượt 8,39 lần. Trước năm 2020, với số lượng 526 CB-CC, người hoạt động không chuyên trách/10 phường, bình quân một người phục vụ 1.490 dân, mỗi CB-CC giải quyết từ 2 đến 6 đầu việc/ngày, từ 56 đến 186 đầu việc/tháng, từ 673 đến 2.227 đầu việc/năm. Khi thực hiện Nghị định 34, từ ngày 1-1-2021, số lượng CB-CC, người hoạt động không chuyên trách của 10 phường là 370 người, bình quân 1 công chức, người hoạt động không chuyên trách phục vụ 2.195 dân (tăng 64,33% so với năm 2020).
Là địa phương đô thị hóa nhanh, việc giải quyết thủ tục, hồ sơ hành chính theo nhu cầu của người dân là lớn, khối lượng công việc của từng CB-CC, người hoạt động không chuyên trách không ngừng tăng lên. "Vì vậy CB-CC, người hoạt động không chuyên trách của các phường thuộc quận Bình Tân hiện nay đều bị quá tải công việc" - Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết.
(Còn tiếp)
Bình luận (0)