xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

QUAY CUỒNG BÊN "NÚI" VIỆC (*): Lập tức "giải cứu" biên chế

NHÓM PHÓNG VIÊN

Không chỉ người trong cuộc mà đại biểu Quốc hội, HĐND, chuyên gia đều nhấn mạnh muốn TP HCM phát triển bền vững thì nhất thiết phải để thành phố tự chủ biên chế

Trong suốt thời gian cùng "làm việc" với cán bộ công chức (CBCC) ở phường, xã tại TP HCM, để lại nhiều cảm xúc trong chúng tôi nhất có lẽ là câu chuyện mà bà Lại Thị Bích Trâm, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh), nói về việc 4 CBCC phải ly hôn, trong đó nguyên nhân không nhỏ xuất phát từ áp lực công việc.

Nghĩ đến là thương

"Lúc đầu thì người bạn đời cũng chia sẻ, thông cảm nhưng riết rồi cũng không thể chia sẻ được. Bởi vì không lo được gì cho con cái và gia đình, lương bổng thì thấp nên đã dẫn đến ly hôn" - bà Trâm thở dài. Cũng theo bà Trâm, xã có 5 CBCC nữ ở độ tuổi kết hôn nhưng vì công việc bận rộn, áp lực nên chưa có cơ hội gặp gỡ để xây dựng gia đình. "Đến một lúc nào đó, các chị em cũng sẽ lớn tuổi, độc thân. Ai sẽ là người lo cho họ ở tuổi xế chiều. Rất là thương và chia sẻ với các chị em" - bà Trâm bộc bạch và mong muốn các cấp, ngành đặc biệt quan tâm đến vấn đề này để có giải pháp sát với thực tế.

QUAY CUỒNG BÊN NÚI VIỆC (*): Lập tức giải cứu biên chế - Ảnh 1.

Công việc nhiều nên chị Nguyễn Thị Như An, cán bộ công chức tư pháp - hộ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh, TP HCM), phải ngồi lại cơ quan làm đến tối khuya .Ảnh: LÊ VĨNH

Tâm tư của Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A cũng là tâm tư chung của nhiều nữ lãnh đạo cũng như CBCC ở cơ sở khi đang ngày đêm bị áp lực công việc rượt đuổi. Ở phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, sau vài lần đến đây, trưa thứ bảy (9-7), khi kết thúc công việc ngoài giờ ở trụ sở UBND phường, chị Trần Thị Mỹ Dung, cán bộ địa chính, mới có thể trò chuyện với chúng tôi. Nói về cuộc sống gia đình, nữ công chức chia sẻ là chồng cũng hay càm ràm vì thấy chị đi sớm về khuya. Chị kể lúc con học mẫu giáo đều phải đón về phường để vừa trông nom vừa làm việc tới tận 21-22 giờ. Bây giờ thì khỏe hơn, gửi con ở nhà cô giáo, khi nào xong việc thì chạy qua đón con về nhà. "May mà con cái đã lớn nên mình mới trụ được, chứ ở phường có mấy anh chị không chịu nổi áp lực, người chuyển công tác, người bị bệnh phải nghỉ việc" - chị Dung chia sẻ và mong những chuyện buồn liên quan đến quá tải công việc sẽ sớm chấm dứt đối với CBCC cơ sở ở TP HCM.

Sáng 12-7, tại phòng tiếp công dân, chúng tôi chứng kiến hình ảnh ông Võ Thanh Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Khánh (huyện Cần Giờ), cứ ra vào như con thoi, với trên tay là xấp hồ sơ vừa ký để kịp giải quyết cho người dân, xong giao cho cán bộ để tại phòng tiếp công dân. Chúng tôi chưa kịp hẹn ông Thảo để nhờ cung cấp số liệu người dân ở xã thì ông lại nghe điện thoại của cán bộ địa chính báo cáo cấp phép xây dựng, sửa chữa nhà cho người dân. Chờ đến khi ông Thảo vào phòng làm việc, chúng tôi mới trao đổi được nhưng ông phải hẹn đến trưa mới cung cấp thông tin vì việc quá nhiều.

Ông nói công việc nhiều nên không chỉ bản thân ông mà các CBCC dưới quyền luôn trong tình trạng "căng như dây đàn". "Là lãnh đạo nên mỗi lần nghĩ đến cấp dưới của mình tất tả quên cả việc chăm lo cho gia đình mà thương" - ông Thảo chia sẻ.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thiện Nhân - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM - nhấn mạnh trong khi một quận, huyện của cả nước bình quân có 137.000 dân thì con số này ở TP HCM là 441.000 dân. Tức là một biên chế của thành phố phải phục vụ người dân gấp 3,2 lần cả nước. "Chúng ta cứ nói sao người dân không hài lòng, hồ sơ chậm vì một người phục vụ dân số gấp 3,2 lần" - ông Nguyễn Thiện Nhân nói và cho rằng với áp lực này sẽ gây ra tình trạng quá tải hoặc sai sót, sự cố. "Có lần tôi xuống Bình Chánh, 18 giờ 30 phút vẫn thấy anh em sáng đèn làm việc. Chồng con ở nhà sao chịu nổi. Vậy là không ổn" - ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Đến lúc phải thay đổi

Trước thực tế trên, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân chỉ ra TP HCM phải lấy số liệu từ thực tiễn để đề xuất số lượng biên chế. Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng vì thành phố có dân số đông, khi thực hiện Nghị quyết 131 về chính quyền đô thị đã bớt đi HĐND quận, huyện, phường, xã là để quyết định mọi việc được nhanh hơn, đến với dân, nghe dân trực tiếp hơn và khi làm nhanh hơn. Tuy nhiên, qua một năm thực hiện, mục đích này chưa đạt được vì một phần vướng các bất cập nêu trên. Từ thực tế nêu trên, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân đề xuất cứ dân số của đơn vị hành chính bằng 200% dân số bình quân cả nước thì xin thêm 15% biên chế.

Đồng tình, ĐBQH Trần Kim Yến, Bí thư Quận ủy quận 1, nói cần phân bổ số lượng CBCC dựa theo dân số tại địa bàn. Ngoài ra, bà Trần Kim Yến còn đề xuất nên chăng đặt ra vấn đề theo hướng từ tổng số CBCC được phân bổ theo đặc thù mỗi đơn vị, địa phương thì TP HCM có điều chỉnh sao cho phù hợp với khối lượng công việc. Bởi theo bà Trần Kim Yến, có những quận, huyện số dân của họ không đông, số người thường trú, cư ngụ thực tế không đông nhưng số người đến làm việc lại đông. Đơn cử như ở quận 1, dân cư ngụ không đông nhưng một ngày có 24 giờ thì 16 giờ là quận 1 có khoảng 1 triệu người đến làm việc, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, các sự kiện tại địa bàn. Vì vậy, việc phân bổ CBCC còn cần phải dựa theo khối lượng công việc chứ không chỉ dựa vào số dân.

"Việc quy định cho phép HĐND thành phố xác định cơ cấu, số lượng CBCC tăng thêm để bổ sung đối với các phường, xã, thị trấn đông dân ngoài số lượng quy định của Chính phủ; số lượng tăng thêm không quá 3 CBCC cho 1 đơn vị hành chính cấp xã là chưa phù hợp với thực tiễn" - TS Thái Thị Tuyết Dung, Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG TP HCM), phân tích. Do đó, cần thiết phải căn cứ vào số dân cư, khối lượng công việc mà UBND cấp xã đang phải xử lý. Bởi lẽ hiện nay, khi thực hiện phân cấp, ủy quyền thì lượng công việc ở cấp cơ sở sẽ nhiều, việc tăng thêm 3 biên chế không giải quyết tận gốc của vấn đề mà phải để TP HCM chủ động trong việc sắp xếp biên chế cấp xã.

Đặc biệt, TS Thái Thị Tuyết Dung nhấn mạnh đã đến lúc cần cho phép HĐND TP HCM được quyền quyết định bộ máy chính quyền của thành phố, nhất là thành lập, giải thể các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Chẳng hạn, TP HCM cần phải thành lập một ban chuyên trách về cơ chế đặc thù của thành phố để bảo đảm rằng việc thấu hiểu các quy định thống nhất, có tính tổng quan, liên ngành. Ban này hoạt động chuyên trách, giúp UBND thực hiện các cơ chế đặc thù mà TP HCM được trao mà không cần phải xin các cơ quan trung ương. TS Thái Thị Tuyết Dung cũng cho rằng cần kiến nghị cho phép HĐND tỉnh quyết định biên chế công chức trong cơ quan của HĐND, UBND, đơn vị sự nghiệp công lập của UBND các cấp. 

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 18-7

Cần thêm cách tạo động lực

Ngoài việc tự chủ biên chế, theo PGS-TS Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana (Mỹ), TP HCM cần tạo ra được động lực trong hệ thống công. Muốn làm được điều này, phải bảo đảm thu nhập cho CBCC; có hệ thống đánh giá để tiền lương tăng lên "chảy vào" đúng chỗ có năng lực nhất.

"Để làm được việc trên, trên thế giới sử dụng hệ thống quản trị thực thi. Hệ thống có các chỉ số kết quả của từng sở, quận, phòng, xuống đến từng chuyên viên... Khi có chỉ số gắn với đánh giá CBCC một cách thực chất thì tạo ra động lực... Khi CBCC thực sự có năng lực và thực sự có cố gắng thì không bị đổ đồng thu nhập với người khác" - PGS-TS Trần Ngọc Anh nói.

Nhiều khó khăn đã hiện rõ

Theo ông Huỳnh Khắc Điệp, Bí thư Quận ủy quận Bình Tân, trước đây, mỗi phường, xã có khoảng 53 CBCC. Sau khi thực hiện Nghị định 34 về tinh giản biên chế, con số này chỉ còn 37. Đến lúc thực hiện chính quyền đô thị, số CBCC còn 35 vì quy định bỏ chức danh phó chủ tịch HĐND và chủ tịch hội nông dân. "Nhiều khó khăn đã hiện rõ" - ông Huỳnh Khắc Điệp nhấn mạnh.

Tương tự, đại biểu HĐND TP HCM Hoàng Thị Tố Nga cho rằng từ khi thực hiện Nghị định 34 về tinh giản biên chế đã gây áp lực lớn cho các CBCC ở phường đông dân. Bà dẫn chứng có phường hơn 170.000 dân nhưng biên chế từ 60 CBCC giảm còn 35 người sau khi thực hiện Nghị định 34. "Lượng CBCC giống như các địa phương khác nhưng phải hoàn thành khối lượng công việc quá lớn. Như vậy là không công bằng, gây áp lực cho CBCC. Vì quá tải công việc nên nhiều CBCC xã, phường xin nghỉ" - bà Hoàng Thị Tố Nga phân tích.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo