Để khẩn trương đưa các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội đi vào cuộc sống, mới đây UBND TP HCM đề nghị Thường trực HĐND thành phố tổ chức kỳ họp chuyên đề vào tháng 9 để xem xét, thông qua 11 tờ trình.
Gấp rút nhiều đầu việc
Trong 11 tờ trình có 6 tờ trình về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức.
Đầu tiên là các tờ trình quy định chức năng, nhiệm vụ các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND TP Thủ Đức; quy định tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và chính sách ưu đãi đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học - công nghệ công lập; nguyên tắc, tiêu chí bổ sung đối tượng, bố trí ngân sách thành phố để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, người lao động thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, một số hội có tính chất đặc thù và một số cơ quan trung ương trên địa bàn.
Nâng chất lượng cán bộ luôn được ưu tiên, đồng thời cũng là nhiệm vụ quan trọng của TP HCM .Ảnh: TRƯỜNG HOÀNG
Ba tờ trình tiếp theo gồm thành lập Sở An toàn thực phẩm; cơ cấu tổ chức bộ máy tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND TP Thủ Đức; tiêu chí, tiêu chuẩn, định mức quy định đối với số lượng cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn.
Ngoài ra, theo Sở Nội vụ, thành phố đang gấp rút cho việc tăng thêm phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức; phó chủ tịch UBND 3 huyện và phó chủ tịch UBND đối với phường, xã, thị trấn có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên theo Nghị quyết 98.
Cụ thể, bổ sung một phó chủ tịch HĐND và một phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức; một phó chủ tịch UBND mỗi huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Hóc Môn. TP HCM cũng bổ sung 49 phó chủ tịch UBND cho 49 phường, xã có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên.
Ngoài những cơ quan chuyên môn được giữ nguyên, TP HCM sẽ kiện toàn, đổi tên một số cơ quan chuyên môn và thành lập thêm một số cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính đặc thù khác trực thuộc UBND TP Thủ Đức.
Nhân sự cấp huyện sẽ được thực hiện xong trong năm 2023. Từ năm 2024 trở đi, thành phố kiểm tra, giám sát việc thực hiện tăng thêm một phó chủ tịch UBND đối với phường, xã, thị trấn có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên trên cơ sở tổng hợp số liệu quy mô dân số tính đến ngày 31-12 hằng năm.
Đối với những phường, xã, thị trấn đang thực hiện chủ trương này nhưng theo số liệu dân số tính đến ngày 31-12 của năm trước liền kề không đạt thì xem xét dừng. Những phường, xã, thị trấn theo số liệu dân số tính đến ngày 31-12 của năm trước liền kề đạt 50.000 người nhưng chưa được bố trí thì thực hiện bổ sung nhân sự theo quy định.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết song song với đầu việc trên, thành phố đang tiến hành rà soát đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở để trình HĐND thành phố quyết định số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố.
Công bằng trong việc chọn người tài
Để nâng chất đội ngũ cán bộ, công chức, thời gian qua TP HCM tổ chức thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương tại các cơ quan, đơn vị.
Từ việc trên, thành phố hoàn thành công tác thi tuyển 13 chức danh lãnh đạo, quản lý ở 7 cơ quan, đơn vị. Hiện thành phố đang xin chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy để tiếp tục thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp sở, cấp phòng và tương đương trong năm 2023 - 2024.
Liên quan chất lượng nhân sự, ông Nguyễn Sỹ Long - Phó trưởng Phòng Công chức viên chức, Sở Nội vụ - cho biết thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi, Sở Nội vụ nghiên cứu, xây dựng dự thảo đề cương đề án xây dựng nền công vụ TP HCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024 - 2030. Sở đã đề xuất UBND thành phố báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, thông qua chủ trương xây dựng dự thảo nêu trên.
Vừa qua, họp với Ban Chỉ đạo xây dựng đề án, Chủ tịch UBND TP HCM giao Sở Nội vụ chủ trì, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, đơn vị tham dự, rà soát nhiều nội dung chỉ đạo và tích hợp các đề án, kế hoạch, chương trình có liên quan lĩnh vực công vụ, đào tạo, bồi dưỡng, tạo động lực và giữ chân cán bộ, công chức, viên chức trước đây thành một đề án chung. Việc này để hướng tới xây dựng nền công vụ hoạt động hiệu lực, hiệu quả góp phần phát triển thành phố.
Hoàn thiện bộ máy TP Thủ Đức
Với riêng TP Thủ Đức, kể từ khi thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 quận 2, 9, Thủ Đức, khối lượng công việc của TP Thủ Đức cao hơn gần gấp đôi so với khối lượng công việc tại các UBND quận, huyện khác và chiếm gần 15% trong tổng số khối lượng công việc cần phải xử lý tại khối quận, huyện trên địa bàn thành phố.
Công việc mỗi ngày mỗi tăng đòi hỏi cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn phù hợp hơn với tình hình thực tiễn. Trong khi đó, dù đã hình thành một bộ máy quản lý hành chính nhà nước thống nhất, đồng bộ và được UBND thành phố chủ trương phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ nhưng trong nhiều lĩnh vực TP Thủ Đức vẫn chỉ có thẩm quyền tương đương cấp quận, huyện nên vẫn chưa chủ động hoàn toàn trong giải quyết các vấn đề vượt thẩm quyền của cấp quận, huyện.
Do vậy, khi Nghị quyết 98 có hiệu lực, ngay từ đầu tháng 8-2023, 3 trung tâm mới tại TP Thủ Đức đã được thành lập gồm: Trung tâm An sinh xã hội, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư, Trung tâm Phát triển hạ tầng kỹ thuật. TP Thủ Đức cũng nhanh chóng bổ nhiệm 3 giám đốc tại 3 trung tâm trên. Đến giữa tháng 8, HĐND TP Thủ Đức cũng thành lập Ban Đô thị.
UBND TP HCM giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với UBND TP Thủ Đức, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Khoa học và Công nghệ cùng nhiều cơ quan khác thực hiện việc chuyển giao nhân sự cho TP Thủ Đức để bảo đảm hoạt động của các trung tâm theo quy định.
Đồng thời, tham mưu cho UBND TP HCM xem xét, điều chỉnh số lượng người làm việc tại UBND TP Thủ Đức. Các cơ quan liên quan có nhiệm vụ xây dựng quy chế phối hợp trong hoạt động của các trung tâm để bảo đảm hoạt động tốt nhất.
Nhiều đầu việc quan trọng khác liên quan đến TP Thủ Đức cũng đang được TP HCM tiến hành. Điều này nhằm phát huy đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan hành chính nhà nước; đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng lực quản lý, điều hành thông suốt, hiệu lực, hiệu quả của cơ quan hành chính.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 5-9
Chuẩn bị kỹ lưỡng
Ban Cán sự Đảng UBND TP HCM đã báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy cho ý kiến chủ trương việc thực hiện bổ sung nhân sự thêm một phó chủ tịch HĐND và một phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức; một phó chủ tịch UBND các huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Hóc Môn.
Từ khi sáp nhập, diện tích, quy mô dân số TP Thủ Đức tăng lên, tương ứng với đó là khối lượng công việc cần cán bộ giải quyết rất lớn .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Việc chuẩn bị và quy trình công tác cán bộ để bổ sung nhân sự tăng thêm một phó chủ tịch UBND đối với 49 phường, xã thực hiện theo chủ trương của cấp có thẩm quyền quản lý. Khi tiến hành giới thiệu nhân sự lưu ý đặc biệt cơ cấu nữ trong lãnh đạo quản lý.
Sau khi Ban Thường vụ Thành ủy chấp thuận chủ trương, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố ban hành kế hoạch triển khai thực hiện tăng thêm một phó chủ tịch HĐND, một phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức; phó chủ tịch UBND 3 huyện và phó chủ tịch UBND đối với phường, xã, thị trấn có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên.
Bình luận (0)