Ngày 4-10, ông Nguyễn Khắc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Khánh Hòa, xác nhận dự án Trồng rừng, nuôi rong biển kết hợp du lịch sinh thái đảo Hòn Rùa (dự án Hòn Rùa; thuộc phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đang đổ đất đá xuống Danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang. Sở này đang chờ kết luận của đoàn kiểm tra liên ngành để có căn cứ tham mưu xử phạt nếu việc lấp biển này là sai trái.
Ồ ạt lấn biển
Hòn Rùa (còn được gọi là hòn Mát) cách bờ khoảng 3 km. Đứng trên bờ nhìn ra, đảo có hình con rùa nổi mai nhô lên mặt biển, đầu quay hướng Bắc. Hiện tại, một tuyến đường xẻ chéo từ dưới mặt biển lên đỉnh như vết chém đỏ lòm trên phần lưng rùa.
Ông Hà cho biết Hòn Rùa nằm trong Danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang, mọi tác động đều phải chịu điều chỉnh của Luật Di sản. Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Khánh Hòa đã cử cán bộ thanh tra để xác định chủ đầu tư sai phạm hay không. Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Khánh Hòa cũng nhiều lần kiểm tra dự án này nhằm xem xét các vấn đề liên quan đến môi trường, đất đai, đo đạc để xem xét có lấn biển trái phép hay không để báo cáo cho UBND tỉnh Khánh Hòa, tham mưu xử phạt nếu chủ đầu tư vi phạm.
Hòn Rùa đang bị chủ đầu tư đổ đất đá ra khu vực vịnh Nha Trang
Ghi nhận thực tế tại khu vực Hòn Rùa, liên tục các đoàn xe tải được một xe cẩu múc đất đá từ sà lan rồi chạy đến phía Tây Nam đổ xuống biển để tạo mặt bằng. Khu vực Tây Nam Hòn Rùa đã được đổ hàng ngàn khối đất đá nới rộng đảo ra phía biển với chiều dài, chiều rộng hàng trăm mét. Quanh khu vực lấn biển được làm kè đá kiên cố cao hơn mặt biển gần 2 m. Một khối nhà đã hình thành với cổng trụ nguy nga.
Theo Ban Quản lý vịnh Nha Trang, quanh Hòn Rùa có nhiều rạn san hô, cỏ biển với hệ sinh thái đa dạng. Việc đổ đất đá xuống vịnh nếu không tính toán sẽ ảnh hưởng đến môi sinh, môi trường.
Ông Nguyễn Nhàn, ngư dân ở phường Vĩnh Hòa, cho biết khu vực biển quanh Hòn Rùa là nơi trú ngụ của nhiều loại hải sản. Từ khi dự án này thực hiện, ông Nhàn cho rằng việc mưu sinh của ngư dân gặp nhiều khó khăn.
Theo giấy chứng nhận đầu tư do UBND tỉnh Khánh Hòa cấp vào tháng 11-2013, dự án Hòn Rùa có diện tích 14,175 ha (trong đó có 2,75 ha diện tích đất, 11,3 ha diện tích mặt nước liền kề, còn lại diện tích nhỏ là bãi biển và bãi đá), tổng vốn đầu tư là 56 tỉ đồng.
Phóng viên đã liên hệ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa để tìm hiểu thực tế dự án này có trồng rừng, nuôi rong như đăng ký hay không? Ông Lê Phước Đức, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, cho biết dự án trồng rừng, rong biển thì chủ đầu tư phải có đề án gửi các cơ quan chuyên môn của sở này thẩm định, lấy ý kiến. Qua kiểm tra sơ bộ thì không thấy các văn bản liên quan, chuyên viên phụ trách về lâm nghiệp nắm rất vững, rất chắc nhưng cũng chưa nghe.
Ngư dân Nguyễn Nhàn cho rằng Hòn Rùa toàn đá đen với cây bụi, rêu, cỏ dại, rất ít đất nên việc trồng rừng là không thể. Ông Đinh Vĩnh Tiền, Phó Ban Quản lý vịnh Nha Trang, cho biết muốn trồng rừng thì đất đá phải được cải tạo và phải mất ít nhất 5-7 năm. Dự án trồng rừng được hay không phải tùy thuộc vào thiện chí của chủ đầu tư.
Trồng cây chỉ là phụ
Trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Bộ TN-MT cho dự án này (ký ngày 29-1-2016) ghi phạm vi, quy mô của dự án là xây dựng khu du lịch sinh thái với diện tích 25.870 m2, còn việc trồng cây bổ sung chỉ 4.681 m2. Như vậy, có thể nhận thấy việc trồng cây chỉ là phụ, còn khu du lịch mới là chính.
Về việc lấn vịnh Nha Trang, trong ĐTM của Bộ TN-MT không có bất cứ dòng nào cho phép lấn biển cũng như xác định diện tích là bao nhiêu. Do đó, ĐTM không đưa ra các biện pháp hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ việc lấn biển. Không chỉ vậy, ĐTM còn ghi rõ: "Nội dung được phê duyệt không bao gồm việc vận chuyển nguyên, vật liệu phục vụ xây dựng, hoạt động dự án; dịch vụ đưa đón khách từ đất liền ra đảo và ngược lại".
Một lãnh đạo của Công ty TNHH Sinh thái Hòn Rùa (chủ đầu tư dự án Hòn Rùa) đang điều hành việc thi công ở Hòn Rùa nói: "Tất cả là đường công vụ, chúng tôi làm xong hết sẽ trả lại. Thực ra, biện pháp thi công là bắt buộc thôi vì không còn con đường nào khác. Chỗ chúng tôi làm toàn là bãi cát. Chúng tôi cũng ý thức được việc xâm hại biển, san hô là quan trọng nên không bao giờ làm việc này. Cơ quan chức năng có lặn biển kiểm tra coi san hô còn sống hay không nhưng trước đây việc bắn mìn, thả tre nứa thi công đã làm san hô chết hết".
Trả lời câu hỏi việc đổ đất đá xuống biển để tạo đường thi công đã được cơ quan chức năng cho phép chưa? Người này phân trần: "Chúng tôi đang được hướng dẫn để làm lại hồ sơ. Chúng tôi đang làm thủ tục. Phải tranh thủ làm không sắp đến mùa bão. Mong cơ quan chức năng hỗ trợ vì các thủ tục chúng tôi không rành".
Phạt chủ đầu tư lấn vịnh Nha Trang
Chiều 4-10, Sở TN-MT tỉnh Khánh Hòa cho biết UBND tỉnh này đã phạt vi phạm hành chính tổng cộng 105 triệu đồng đối với Công ty CP Khu du lịch Champarama - chủ đầu tư dự án khu nghỉ dưỡng Champarama Resort & Spa. Theo đó, chủ đầu tư đã đổ đất đá lấn biển thuộc vịnh Nha Trang với diện tích hơn 17.500 m2, ngoài ranh giới được giao. Công ty CP Khu du lịch Champarama phải chấm dứt ngay hành vi vi phạm và khôi phục lại nguyên trạng ban đầu trước ngày 16-10; báo cáo kết quả khắc phục gửi UBND tỉnh để kiểm tra giám sát, xử lý theo quy định pháp luật. UBND tỉnh cũng phạt công ty này trên 35 triệu đồng vì không thực hiện giám sát môi trường không khí xung quanh, nước biển ven bờ theo báo cáo ĐTM đã được phê duyệt.
Ngoài dự án lấn biển này, nhiều dự án khác cũng bị cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa xử lý, đơn cử như dự án Công viên Văn hóa, giải trí, thể thao Nha Trang Sao (Công ty CP Nha Trang Sao làm chủ đầu tư) đang bị xem xét thu hồi giấy chứng nhận đầu tư sau khi bị phạt vì lấn biển trái phép 2,3 ha.
Bình luận (0)