Ngày 14-10, chúng tôi đến nhà bà Nguyễn Thị Thu Tuyết ở phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TP HCM. Bà là chủ nhà trọ được TP tuyên dương dân vận khéo năm 2017.
Thấu hiểu, sẻ chia cùng người nghèo
Khi chúng tôi đến, hỏi thăm bà Tuyết, chủ nhà trọ, một bé gái cho biết bà Bảy đi chợ. Ở khu trọ này, người dân quen gọi bà Tuyết bằng cái tên thân mật là bà Bảy. Bé gái tên là Nguyễn Thị Diệu Huyền, con của công nhân ở trọ, sang chơi, coi nhà. Huyền nói em thường sang nhà bà Bảy chơi khi mẹ đi làm hoặc tăng ca. Trò chuyện với em được một lúc, bà Bảy cũng vừa về đến.
Bà Nguyễn Thị Thu Tuyết thường xuyên đón, chăm sóc con công nhân khi công nhân tăng ca
Bà Bảy kể bà xây khu trọ từ năm 2008, người thuê đa phần là công nhân nên vợ chồng bà chỉ lấy giá 500.000 đồng/ phòng với mong muốn chia sẻ một phần khó khăn của người lao động xa quê. Phòng rộng 12 m2, có nhà vệ sinh, có bếp, điện 2.000 đồng/KW, nước 10.000 đồng/người/tháng (sinh viên, người già được miễn tiền nước). "Vợ chồng tôi đi lên từ khó khăn nên thấu hiểu được những người xa quê lên TP lập nghiệp. Họ thiếu thốn trăm bề nên chia sẻ với họ được cái gì hay cái đó. Vợ chồng tôi quyết định không tăng giá nhà trọ" - bà Bảy nói.
Không chỉ vậy, bà Bảy còn vận động các chủ nhà trọ khác trên địa bàn phường Linh Xuân không tăng giá tiền thuê phòng trọ. Với việc nói được làm được, gương mẫu đi đầu, chủ trương không tăng giá thuê của bà Bảy đã được các chủ nhà trọ đồng tình ủng hộ.
Sâu sát, giúp đỡ bằng tất cả tấm lòng
Chị Vũ Thị Hoa ở Thanh Hóa - công nhân Khu Chế xuất Linh Trung 1, ở trọ nhà bà Bảy từ năm 2008 đến nay - nói về bà chủ nhà trọ với sự thương mến, nể trọng. Chị Hoa kể từ Thanh Hóa vào Sài Gòn lập nghiệp, ở trọ nhà bà Bảy được 3 tháng thì chị lập gia đình rồi có con. "Chồng đi làm xa nên bà Bảy đã sang chăm sóc, giặt giũ, nấu ăn giúp. Bà Bảy xem tôi như là con cháu trong gia đình. Có những lúc tăng ca, bà Bảy đón con tôi về tắm rửa, cho ăn" - chị Hoa tâm sự.
Tiếp lời chị Hoa, bà Bảy nhớ lại vào một đêm, bà sang phòng chị Hoa lấy tiền thuê, gọi cửa mãi vẫn không thấy trả lời, cạy cửa vào thì thấy Hoa nằm bất động. Sau khi gọi xe đến đưa chị Hoa đi cấp cứu, suốt đêm đó bà thức trắng chăm con của chị Hoa quấy khóc vì thiếu mẹ.
Không chỉ có thế, bà Bảy thường xuyên thăm hỏi, kịp thời chia sẻ gạo, thức ăn cho những trường hợp khó khăn. Thậm chí bà Bảy còn cho một số công nhân khó khăn nợ tiền phòng đến 6 tháng.
Do thường xuyên thăm hỏi, chia sẻ với công nhân nên bà Bảy đã hóa giải nhiều mâu thuẫn giữa các gia đình trong phòng trọ. "Có trường hợp công nhân ở trọ bức xúc việc phòng kế bên có con nhỏ thường xuyên khóc ban đêm. Tôi đến nói chuyện, giải thích cho họ hiểu nên sau đó không còn gây gổ" - bà Bảy nói.
Một trường hợp khác là anh Nguyễn Công Tài đã được bà Bảy bán đất, cho trả dần đến nay anh đã có nhà. Nói về bà Bảy, anh Tài chỉ biết dùng 2 từ "nhân hậu". Chính tấm lòng nhân hậu, bà Bảy đã giúp anh có chỗ che mưa, che nắng.
Hằng năm, vào dịp lễ Tết, bà Bảy dành 30 triệu đồng mua quà tặng cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Đến mùa khai giảng bà Bảy đi vận động lập danh sách con em công nhân để gửi phường với mong muốn các em được đến trường. Với những việc làm thiết thực, nhà trọ của bà Bảy 3 năm liền đạt "Nhà trọ văn hóa" và bà vinh dự là chủ nhà trọ đầu tiên được kết nạp Đảng vào ngày 9-12-2011.
"Mỗi điển hình dân vận khéo có điều kiện, hoàn cảnh khác nhau nhưng tựu trung đều thể hiện tấm lòng trong sáng, sự thuyết phục làm lay động lòng người bởi chính sự sâu sát, thấu hiểu, đồng cảm, chân tình thể hiện rõ chất nghĩa tình của người Sài Gòn - TP HCM".
Bà Nguyễn Thị Lệ (Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP HCM )
Cần nhiều người như bà Bảy
Ông Đỗ Thành Non - cán bộ phụ trách tuyên giáo, LĐLĐ quận Thủ Đức - cho biết bà Bảy rất năng nổ nhiệt tình công việc ở khu phố đến phường. Việc không tăng giá tiền thuê nhà trọ; thu tiền điện, nước đúng giá đã chia sẻ, giúp đỡ nhiều công nhân khó khăn. Xã hội cần nhiều những tấm gương như bà Bảy.
Bình luận (0)