Một gói kit test được gửi về qua đường bưu điện. Bưu phẩm đi hơn 2 tháng trời mới tới, tôi nhận được thư của bưu cục ngoại dịch thông báo đến hải quan trình giấy phép nhập khẩu để thông quan thùng hàng rồi mới được nhận. Thật "té ngửa", giấy phép nhập khẩu lấy đâu ra!?
Hẳn là cơ quan chức năng làm đúng quy định nhưng với những trường hợp như thế này, trong đó có tôi, nếu không có giấy phép nhập khẩu thì biết làm gì để được nhận hàng, nên đành phải bỏ cuộc.
Từ chuyện nhỏ cá nhân như vậy, tôi hình dung được sự "phức tạp" trong việc cấp phép cho lô hàng 22.000 lon sữa từ một số tổ chức bên Úc gửi về tài trợ trẻ em khó khăn trong dịch Covid-19 ở TP HCM và gặp phải rào cản thủ tục. Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV vừa rồi, đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu (Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM) nêu sự việc: Lô hàng 22.000 lon sữa tài trợ đã về nước 1 tháng rồi mà chưa lấy ra được để phân phối, vì Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TP HCM đã gửi công văn cho Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) xin ý kiến; Cục Thú y chỉ trong 2 ngày trả lời đồng ý, còn Cục An toàn thực phẩm đề nghị MTTQ TP HCM xin ý kiến Chính phủ; MTTQ TP HCM có công văn xin ý kiến Chính phủ thì được Chính phủ giao về cho Cục An toàn thực phẩm trả lời (!).
Theo lãnh đạo MTTQ TP HCM, Cục An toàn thực phẩm nói là làm đúng quy định nhưng hàng tài trợ về nước cả tháng mà không lưu thông, phân phối được thì lỗi tại ai?
Câu chuyện này gây bức xúc vì rơi vào bối cảnh đang dịch bệnh căng thẳng, trẻ em và người bệnh cần sữa; đồng thời, chỉ cần nhìn vào thời gian dài lô hàng nằm ì thì đủ thấy sự tắc trách, nhất định phải có địa chỉ trách nhiệm chứ không thể phân trần chung chung là do quy định hay quy trình. Và mới nhất, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo xử lý kiến nghị của đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu về trường hợp này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15-11.
Xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ dù là đúng quy định nhưng cũng đừng quên rằng kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu là chuyên môn của Cục An toàn thực phẩm và họ chỉ cần tối đa 3 ngày là làm xong việc này. Nếu vào cuộc tích cực theo tinh thần "chống dịch như chống giặc" thì đã không có chuyện chuyển đơn lòng vòng, gây bức xúc.
Nhìn rộng ra thì thấy có không ít vụ việc nhiêu khê tương tự, do có tình trạng một sản phẩm, hàng hóa được nhiều bộ, ngành quản lý cùng lúc. Khi đụng chuyện thì hỏi ý kiến xoay vòng hoặc không ai chịu trách nhiệm giải quyết cả, khiến công việc ách tắc. Một trong những hình thức né trách nhiệm dễ thấy nhất là xin ý kiến cấp trên, trong khi đó là phần việc của mình.
Với một vụ việc mà "xin ý kiến" nhiều thì chắc chắn chậm trễ; vụ việc nào cũng "xin ý kiến" một cách không cần thiết thì làm trì trệ đất nước.
Bình luận (0)