Tuần qua, với loạt bài "Gian nan dời cơ sở gây ô nhiễm khỏi khu dân cư", Báo Người Lao Động đã phản ánh tình thế tiến thoái lưỡng nan trong việc xử lý các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm tại khu dân cư.
Cơ sở ở huyện Hóc Môn xả khói đen ra môi trường. Ảnh: THU HỒNG
Theo đó, nhiều nơi khói bụi mù trời, mùi hôi nồng nặc, nước thải vô tư xả ra kênh rạch nhưng các cơ sở vẫn ngang nhiên hoạt động, trơ lì khi bị xử phạt, lười biếng khắc phục hậu quả và sẵn sàng thay đổi pháp nhân để "lột xác" thành cơ sở đầy nguy cơ khác. Trong khi đó, các biện pháp chế tài còn bất cập dẫn tới khó khăn nếu muốn giải quyết triệt để. Bất cập này, về mặt nào đó, như một dạng "xử lý treo" mà không rõ phải treo đến bao giờ.
Biện pháp ngừng cấp điện, nước cho công đoạn sản xuất đối với những cơ sở vi phạm được xem là công cụ hữu hiệu nếu áp dụng. Tuy nhiên, nhiều năm trước, khi TP HCM đưa ra đề xuất này thì một số ý kiến lo ngại nó can thiệp sâu vào quan hệ dân sự nên chưa được quyết.
Lần này, nhiều địa phương tiếp tục có ý kiến, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng tham mưu UBND TP HCM kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiều vấn đề. Trong đó, đề xuất nêu trên tiếp tục được nhắc đến.
Nhìn rộng ra, xây công trình vượt phép thì bị cắt ngọn, lấn chiếm lòng đường bị tạm giữ phương tiện, lái xe phạm luật bị tạm tước quyền điều khiển phương tiện... Vậy, hà cớ gì cơ sở gây ô nhiễm cả khu dân cư lại có cơ hội tiếp tục "sống"?
Vì vậy, một biện pháp giúp răn đe mạnh cơ sở vi phạm, buộc họ có trách nhiệm với nhà nước, với môi trường và cộng đồng, xóa bất cập "xử lý treo" cần được thống nhất và áp dụng sớm.
Bình luận (0)