Sau khi ban hành quyết định quy hoạch lại các loại rừng ở Thanh Hóa, bỗng dưng cả ngàn hecta rừng phòng hộ ven biển bị xóa sổ. Rất nhiều diện tích rừng trong số này đã được giao cho doanh nghiệp làm du lịch nhưng chỉ bao tường giữ đất nhiều năm qua.
Phá rừng, bao đất
Dọc bờ biển từ phường Quảng Vinh (TP Sầm Sơn) tới xã Quảng Nham (huyện Quảng Xương), hầu hết các cánh rừng phi lao hơn chục năm tuổi đều bị chặt phá nham nhở, còn trơ gốc. Thay vào đó, nền đất được chia lô, xây tường rào bao quanh. Những cánh rừng còn lại cũng thưa thớt, biển xâm thực nặng và có nguy cơ bị đốn hạ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những cánh rừng phi lao này được trồng theo đề án 661 và 327 cách đây 20-30 năm, nhằm tăng diện tích rừng phòng hộ ven biển, chống xâm thực, ngăn gió cát mỗi khi mưa bão tràn vào. "Rừng phi lao ven biển trước đây do chính quyền địa phương và người dân chung tay trồng, bảo vệ nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, rừng bị phá ồ ạt để nhường chỗ cho các dự án du lịch. Họ chặt sạch phi lao rồi chiếm đất để đó mà chẳng thấy triển khai xây dựng gì khiến bà con lo lắng khi gió bão tràn vào" - ông Phan Viết Dũng (ngụ phường Quảng Vinh) bức xúc.
Những cánh rừng phi lao phòng hộ ven biển (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) bị chặt phá nham nhở để làm du lịch
Người dân nơi đây đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương, nếu không thực hiện dự án thì trả đất để cho họ trồng rừng thay thế chứ không thể để vườn tược bị xâm thực nhưng chẳng được giải quyết.
Theo ghi nhận, dọc bờ biển 2 địa phương trên có rất nhiều dự án du lịch được vẽ ra hoành tráng như sân golf (xã Quảng Nham), khu đô thị biển Tiên Trang (xã Quảng Lợi), khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Toàn Tích Thiện, khu biệt thự Hùng Sơn (xã Quảng Hùng)… Những dự án này đều chiếm đất rồi để đó, thậm chí có dự án hơn 10 năm không hề xây dựng công trình nào ngoài 4 bức tường xây quanh khu đất.
Ông Nguyễn Đức Vân, Chủ tịch UBND xã Quảng Hùng, cho biết năm 2004, khi dự án biệt thự Hùng Sơn được triển khai, hàng chục hecta rừng phi lao ven biển bị đốn hạ để nhường đất cho dự án. Tuy nhiên, từ đó đến nay, nhà đầu tư không triển khai dự án khiến người dân lo lắng. "Rừng bị chặt, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng rất lớn. Địa phương đã yêu cầu doanh nghiệp phải sớm triển khai dự án, nếu doanh nghiệp không đủ năng lực thì UBND tỉnh nên thu hồi hoặc để cho dân trồng lại rừng, yên tâm sản xuất" - ông Vân nói.
Cả nước đều làm vậy?
Trong khi hàng trăm hecta rừng phòng hộ ven biển bị chặt phá từ hệ lụy của những dự án du lịch "treo" thì trong quy hoạch lại 3 loại rừng, tỉnh Thanh Hóa đã thẳng tay "xóa sổ" gần hết toàn bộ diện tích rừng phòng hộ đã được quy hoạch, bảo vệ trước đó.
Cụ thể, tại Quyết định 2755 ngày 12-9-2007 về việc phê duyệt kết quả rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng (rừng đặc dụng, phòng hộ, sản xuất) giai đoạn từ năm 2006-2015, Thanh Hóa có 1.564 ha rừng phòng hộ chắn gió, cát bay (trong đó có hơn 1.150 ha diện tích đất có rừng) và gần 1.882 ha đất phòng hộ chắn sóng lấn biển.
Tuy nhiên, đến ngày 29-8-2017, UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định số 3230 phê duyệt lại 3 loại rừng (giai đoạn 2016-2025), trong đó đáng chú ý là địa phương này đã đưa ra ngoài quy hoạch hơn 2.000 ha rừng phòng hộ ven biển (1.544 ha rừng chắn gió, cát; 488 ha rừng chắn sóng), chỉ để lại 20 ha trong tổng số 1.564 ha được quy hoạch phát triển trong giai đoạn 2007-2015. Đặc biệt, như huyện Quảng Xương trước đây có 300 ha rừng phòng hộ, nay không còn.
Ông Đàm Văn Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi Cục lâm nghiệp - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông tỉnh Thanh Hóa, cho rằng hàng ngàn hecta rừng phòng hộ ven biển bị "xóa sổ" là do có sự biến động theo thời gian, không còn đạt các tiêu chí theo quy định nên chuyển sang rừng sản xuất hoặc đưa ra ngoài quy hoạch. "Việc giảm diện tích rừng phòng hộ không riêng gì Thanh Hóa mà cả nước đều vậy. Diện tích rừng biến đổi theo từng năm, nên khi rà soát lại thấy không đạt tiêu chí theo quy định thì cho ra ngoài" - ông Hùng nói.
Các sở, ngành đã thông qua!
Theo ông Đàm Văn Hùng, sau khi rà soát, toàn tỉnh Thanh Hóa chỉ còn 20 ha rừng phòng hộ chắn gió, cát ven biển tập trung ở huyện Hậu Lộc và TP Sầm Sơn. "Việc đưa diện tích rừng phòng hộ ra ngoài quy hoạch không phải vì du lịch mà do không còn đạt các tiêu chí. Với lại trước khi cho ra quyết định đó phải được các địa phương, sở, ngành cho ý kiến tham vấn và được HĐND tỉnh thông qua" - ông Hùng lý giải.
Bình luận (0)