2 nhịp giữa cầu Bạch Đằng có sự chênh lệch cao độ dẫn đến mặt cầu không bằng phẳng cục bộ - Ảnh: Trọng Đức
Sáng 7-11, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có buổi làm việc với Công ty Cổ phần BOT Bạch Đằng (chủ đầu tư) và các đơn vị liên quan về chất lượng công trình cầu Bạch Đằng có tổng vốn đầu tư hơn 7.500 tỉ đồng trên tuyến cao tốc Hải Phòng - Quảng Ninh.
Tại cuộc họp, đại diện BOT Bạch Đằng đã khẳng định cầu Bạch Đằng đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, an toàn khi đưa vào khai thác; với hiện tượng võng, mấp mô ở mặt cầu, đơn vị sẽ thực hiện bù vênh ngay sau khi hết thời gian theo dõi, quan trắc.
Theo thông tin của Công ty CP BOT Bạch Đằng, qua số liệu qua trắc và khảo sát đánh giá của các đơn vị tư vấn, các yếu tố kỹ thuật của cầu như ổn định trụ tháp, ứng suất bê tông, ứng suất cáp dây văng… hoàn toàn đảm bảo yêu cầu thiết kế cũng như an toàn chịu lực. Quá trình đưa vào khai thác sử dụng, các thông số kỹ thuật của cầu, trụ tháp, mặt đường, dây văng… cũng thường xuyên được theo dõi, kiểm tra, quan trắc kết quả, đảm bảo theo yêu cầu thiết kế, hoạt động ổn định.
Lý giải về lý do mặt cầu có hiện tượng lún, võng tại điểm hợp long giữa các trụ cầu, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT cầu Bạch Đằng, cho hay trong xây dựng các cầu khi hợp long sẽ có những độ vênh nhất định, điều này là bình thường trong thi công cầu. Đối với cầu Bạch Đằng ngay khi hợp long giữa các trụ cầu, đơn vị thi công đã thấy xuất hiện độ vênh giữa các đốt dầm. Ở các cầu cứng bình thường, để khắc phục độ vênh, đơn vị thi công sẽ dùng 1 lớp bê-tông mỏng để làm phẳng, sau đó là thảm bê-tông nhựa mặt cầu.
Tuy nhiên, đối với cầu Bạch Đằng, do đây là cây cầu dây văng, nên cần thời gian để dây văng cầu hoạt động ổn định (dự kiến khoảng 2-3 tháng khi đi vào hoạt động); do đó có hiện tượng võng giữa hai điểm hợp long như phản ánh của báo chí và dư luận.
Ông Hòa khẳng định ngay sau khi hết thời gian chờ dây văng hoạt động ổn định và kiểm tra độ an toàn, BOT Bạch Đằng sẽ làm việc với các đơn vị liên quan để khảo sát, thực hiện phương án bù vênh.
Đơn vị tư vấn công nghệ của dự án cũng khẳng định, đơn vị đã kiểm tra, rà soát lại các hồ sơ liên quan, nhất là hồ sơ liên quan đến thử tải của cầu. Đối với cầu dây văng Bạch Đằng cũng đã bố trí hệ thống quan trắc của cầu. Đây là thông số độc lập để đánh giá sự an toàn của cầu. Từ các số liệu hệ thống quan trắc đều khẳng định cầu an toàn, độ biến dạng, độ võng, chuyển vị trụ tháp, lực căng dây văng đều trong giới hạn cho phép; kết cấu ổn định và đủ điều kiện chịu lực.
Tuy nhiên, cũng khẳng định khi các phương tiện lưu thông trên cầu thì độ êm thuận chưa tốt, có độ vênh; hơn nữa kết cấu cầu dây văng khá phức tạp nhạy cảm với các yếu tố tác động, do đó, sau khi cân nhắc, phía BOT Bạch Đằng đã kiên định sẽ tiến hành quan trắc kết cấu trong thời gian nhất định để đảm bảo an toàn rồi mới bù vênh.
Ông Vũ Chí Diện, Phó Chủ tịch UBND Quảng Ninh, yêu cầu chủ đầu tư, các đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi, tham khảo ý kiến chuyên gia và khẩn trương đưa ra giải pháp khắc phục để đảm bảo chất lượng công trình cũng như đảm bảo an toàn tuyệt đối cho phương tiện. Về thời điểm thực hiện, ngay khi kết thúc thời gian quan trắc, cầu đảm bảo hoạt động ổn định, đảm bảo kỹ thuật và phương án bù vênh được Bộ GTVT chấp thuận.
Ông Diện cũng yêu cầu trong quá trình thực hiện bù vênh phải đảm bảo an toàn giao thông khi các phương tiện lưu thông qua cầu.
Cầu Bạch Đằng có tổng mức đầu tư 7.500 tỉ đồng theo hình thức BOT do Công ty CP BOT Bạch Đằng làm chủ đầu tư. Cầu có chiều dài 5,4 km, điểm đầu thuộc địa phận Đầm Nhà Mạc (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) và điểm cuối thuộc địa phận tại quận Hải An (TP Hải Phòng). Dự án được chia làm 8 gói thầu xây lắp, trong đó phần cầu chính dây văng dài 700 m với sơ đồ kết cấu nhịp (110+2x240+110); nhịp chính vượt sông dài 240 m là một trong những cây cầu có khẩu độ nhịp vượt sông lớn nhất hiện nay. Bề rộng mặt cầu chính rộng 28 m cho 4 làn xe với tốc độ 100 km/giờ.
Bình luận (0)