Tiếp tục phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội (QH), sáng 6-6, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề và trả lời chất vấn. Phó Thủ tướng cũng là thành viên Chính phủ cuối cùng trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp này.
Pháp luật vẫn còn sơ hở
Về công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh đây là vấn đề được đặc biệt quan tâm. Các cơ quan chức năng đã điều tra phát hiện, xử lý nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, như các vụ: AVG, Vũ "nhôm", Út "trọc", Thép Thái Nguyên…
Cùng với đó, tập trung thanh tra, kiểm toán một số lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng cao; khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý kỷ luật nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm, trong đó có các dự án thua lỗ lớn, dư luận xã hội quan tâm như: PVTex, Ethanol Phú Thọ, cảng Quy Nhơn; các dự án BOT, BT giao thông…
Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận công tác phòng chống tham nhũng vẫn còn những hạn chế. Các quy định của pháp luật vẫn còn sơ hở, bất cập. Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng vặt trong giải quyết công việc của một bộ phận cán bộ, công chức chưa được ngăn chặn hiệu quả.Công tác tự kiểm tra, phát hiện vi phạm trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế. Tỉ lệ thu hồi, xử lý về tiền, tài sản, đất đai trong các vụ tham nhũng còn thấp. Sự gương mẫu, tính quyết liệt trong phòng chống tham nhũng của một số lãnh đạo cơ quan, đơn vị còn thấp.
Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ yêu cầu tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, nhất là những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm như đầu tư công, đất đai, dự án BT, BOT, cổ phần hóa... Đồng thời, khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm đối với các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng; thu hồi triệt để tài sản thất thoát.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm yêu cầu nói rõ việc Việt Nam bị Mỹ đưa vào danh sách cần giám sátẢnh: Quang Vinh
Quyết liệt cải cách hành chính
Về phát triển doanh nghiệp (DN), Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết cùng với quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách, tạo việc làm, thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo và giải quyết các vấn đề xã hội.
Thực hiện các nghị quyết của Đảng, QH, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách; tổ chức nhiều hội nghị, diễn đàn đối thoại với DN; tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, thuận lợi cho DN. Hiện cả nước có trên 730.000 DN đang hoạt động, trên 100.000 DN thành lập mới mỗi năm; trong đó, hơn 96% là DN nhỏ và vừa; hàng triệu hộ kinh doanh cá thể.
Việt Nam cũng đã có nhiều tập đoàn, DN tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có thương hiệu, uy tín trên thị trường, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, năng lực, hiệu quả của khu vực DN tư nhân nhìn chung còn yếu, nhất là DN nhỏ và vừa. Trình độ quản trị, năng suất lao động, ứng dụng khoa học - công nghệ, khả năng liên kết và tham gia chuỗi giá trị còn hạn chế. Tỉ lệ DN so với dân số bình quân còn thấp.
Trước tình hình đó, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo, thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Đảng, QH, nhất là chương trình hành động của Chính phủ triển khai nghị quyết trung ương về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, khẩn trương sửa đổi Luật Đầu tư và Luật DN theo hướng thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, bình đẳng theo cơ chế thị trường; thường xuyên đối thoại với cộng đồng DN, doanh nhân để kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị...
"Triển khai hiệu quả Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa; hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN. Quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh; kiên quyết loại trừ tiêu cực, tham nhũng vặt, gây cản trở, khó khăn cho DN, người dân" - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.
Chuẩn bị nhiều kịch bản
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nêu vấn đề cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang hết sức quyết liệt, đồng thời đặt câu hỏi với Phó Thủ tướng về quan điểm của chúng ta, hành động của chúng ta thế nào cho phù hợp? Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết các tổ chức thương mại, kinh tế thế giới đều đánh giá nếu cuộc chiến này kéo dài thì sẽ ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế toàn cầu, dự báo tăng trưởng từ 3,5% có thể giảm còn 3,2%. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam đã chuẩn bị nhiều kịch bản, trong đó có việc tập trung ổn định vĩ mô, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN.
"Việt Nam có độ mở về nền kinh tế rất lớn, do đó chắc chắn cuộc cạnh tranh thương mại này sẽ có ảnh hưởng. Thủ tướng đã chỉ đạo thành lập một ban nghiên cứu để đánh giá tác động. Về ngắn hạn, có thể cạnh tranh hiện nay thúc đẩy một số mặt hàng xuất khẩu của chúng ta, đồng thời có thể ảnh hưởng đến nguồn cung của các sản phẩm xuất khẩu của chúng ta. Cho nên, về ngắn hạn có thể tăng lên nhưng về dài hạn có thể tác động. Có những đánh giá của chúng ta cho thấy hiện nay có thể giảm 0,2%-0,3% điểm; trong 5 năm tới có thể giảm GDP khoảng 6.000 tỉ đồng" - Phó Thủ tướng thông tin.
Liên quan đến ứng xử của Việt Nam về vấn đề biển Đông, Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam có đủ cơ sở về chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Việc tranh chấp chủ quyền giữa các nước phải được thực hiện theo luật pháp quốc tế, giải quyết bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực và không thay đổi nguyên trạng.
ĐB Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) nêu vấn đề ngư dân bị bắt trong vùng chưa phân định, Phó Thủ tướng cho biết vấn đề bảo hộ công dân, bảo hộ ngư dân là nhiệm vụ hết sức quan trọng, nhất là trách nhiệm của các cơ quan trong bảo vệ ngư dân đánh cá hợp pháp trong vùng biển của chúng ta. Bên cạnh việc bảo hộ công dân, cũng cần tuyên truyền để ngư dân đánh bắt cá tuân thủ luật pháp quốc tế.
Thảo luận về việc gia nhập Công ước số 98
Chiều 6-6, QH tiếp tục họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe các tờ trình về: Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) và nghe Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 của QH về việc thi hành Luật Tổ chức TAND...
Hôm nay , 7-6, buổi sáng QH thảo luận tại hội trường về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể...
Buổi chiều, QH thảo luận tại hội trường về: Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước; việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13.
Không dùng chính sách để tạo cạnh tranh
ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) chất vấn Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh về việc Việt Nam bị Mỹ đưa vào danh sách cần giám sát. Chính phủ đã tính tới tình huống này chưa? Giải pháp xử lý vấn đề này thế nào?
Với câu hỏi này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng trả lời. Theo ông Hưng, ngày 29-5-2019, Bộ Tài chính Mỹ công bố báo cáo về các chính sách kinh tế vĩ mô, thương mại và tỉ giá của các nước đối tác có quan hệ thương mại lớn với Mỹ và đưa ra danh sách 9 quốc gia cần được theo dõi, giám sát, trong đó có Việt Nam.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giải thích theo quy định của Mỹ, có 3 tiêu chí đánh giá quốc gia có quan hệ thương mại lớn với nước này gồm: Có thặng dư thương mại với Mỹ là trên 20 tỉ USD; có thặng dư cán cân vãng lai trên 2% GDP; có can thiệp vào ngoại hối một chiều, mua ròng ngoại tệ trong 6 tháng liên tục khoảng 2% GDP.
"Chúng ta thỏa mãn 2 tiêu chí đầu tiên của Mỹ, tức là có thặng dư thương mại với Mỹ trên 20 tỉ USD; có thặng dư cán cân vãng lai trên 2% GDP. Còn can thiệp ngoại hối một chiều thì chúng ta thấp hơn ngưỡng của Mỹ đưa ra" - ông Hưng nói và cho biết báo cáo của Mỹ kết luận là không có quốc gia nào trong danh sách này thực hiện thao túng tiền tệ. Chúng ta cũng khẳng định việc điều hành chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, không dùng chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó có chính sách tiền tệ, tỉ giá để tạo cạnh tranh, tạo lợi thế thương mại một cách không công bằng. Báo cáo này chỉ đưa ra một số khuyến nghị chính sách cho Chính phủ, cho một số bộ, ngành, trong đó có Ngân hàng Nhà nước.
Bình luận (0)