* Phóng viên: Hiện cả nước có 7.966 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian, 332 lễ hội lịch sử - cách mạng, 544 lễ hội tôn giáo, nhu cầu tham gia các lễ hội của người dân là rất lớn, nhất là trong dịp đầu xuân. Bà đánh giá như thế nào về điều này?
Thứ trưởng TRỊNH THỊ THỦY
- Thứ trưởng TRỊNH THỊ THỦY: Với người Việt, mùa xuân cũng đồng nghĩa với mùa lễ hội. Từ lâu, lễ hội đầu xuân đã được xem là nét văn hóa truyền thống đáng quý của dân tộc Việt Nam, trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa cộng đồng. Những ngày đầu năm mới cũng là thời điểm để người dân thể hiện sự tri ân những người có công với đất nước; khát vọng, ước mong bình an, may mắn, sức khỏe và thịnh vượng cho cộng đồng cũng như cho mỗi cá nhân, gia đình.
Tuy nhiên, do thời gian giãn cách xã hội quá lâu vì dịch Covid-19, nhiều người cảm thấy không thoải mái trong không gian sinh hoạt nhỏ hẹp, muốn làm giảm những căng thẳng, mệt mỏi. Vì vậy, khi xã hội trở lại bình thường mới, thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, người dân rất mong muốn được tham gia các lễ hội truyền thống, kết hợp với nhu cầu tâm linh gia tăng vào dịp đầu năm.
* Nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp với hàng chục ngàn ca mắc mới mỗi ngày, tổ chức lễ hội an toàn là điều không dễ dàng. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) có hướng dẫn gì đối với các địa phương để đem lại những niềm vui đầu năm?
- Hiện nhiều địa phương vẫn ghi nhận số ca mắc Covid-19 hằng ngày lớn trong cộng đồng, đặc biệt tại các địa phương có mật độ dân cư cao, giao thương, đi lại lớn. Ngoài ra, biến chủng Omicron đang lây lan nhanh, diễn biến phức tạp, khó lường.
Vì vậy, đặt yếu tố an toàn của chính mình và cộng đồng lên hàng đầu, phải tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch, tránh tập trung đông người để hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Bộ VH-TT-DL cũng đã ban hành hướng dẫn tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong hoạt động VH-TT-DL.
Tại Công điện số 351/CĐ-BVHTTDL ngày 28-1-2022, Bộ VH-TT-DL đã đề nghị ngành VH-TT-DL các địa phương trình UBND tỉnh quyết định việc tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội và hoạt động bắn pháo hoa nổ trong dịp Tết Nhâm Dần. Đối với hoạt động lễ hội truyền thống, không tổ chức các hoạt động hội, chỉ tổ chức phần nghi lễ... Mục tiêu tối cao là bảo đảm phục vụ người dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, phù hợp nếp sống văn minh, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa dân tộc và tình hình dịch Covid-19 ở từng địa phương.
Du khách thăm viếng tại chùa Hà (một di tích nổi tiếng tại TP Hà Nội) vào ngày rằm tháng giêngẢnh: Lan Anh
* Bên cạnh những tác động tích cực, việc tụ tập đông người ở các lễ hội cũng có nguy cơ dẫn đến tình trạng "chặt chém", trục lợi từ lễ hội như từng diễn ra ở nhiều năm trước. Làm thế nào để chấn chỉnh hiệu quả tình trạng này?
- Để chấn chỉnh các hành vi trục lợi tại di tích, lễ hội, Bộ VH-TT-DL tăng cường kiểm tra công tác tổ chức lễ hội ngay sau Tết nhằm phát hiện kịp thời những bất cập trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội tại các địa phương, cũng như đề xuất giải pháp xử lý.
Bên cạnh đó, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép. Không để việc tổ chức "dâng sao giải hạn" biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi, ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc hay phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử di tích, lễ hội. Không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh.
* Những lễ hội trước đây từng có tình trạng người đi lễ chen lấn, xô đẩy, cướp lộc… khiến cho quang cảnh nơi thờ tự, tín ngưỡng trở nên lộn xộn… Niềm tin không chuẩn xác đã khiến người đi lễ hiểu sai về ý nghĩa của lễ hội. Bà có ý kiến gì với những trường hợp này?
- Việc đi lễ đầu năm để cầu mong khỏe mạnh, ước nguyện một năm mới an lành, no ấm cho gia đình và người thân là nhu cầu chính đáng của người dân.
Để không còn tình trạng người đi lễ chen lấn, xô đẩy, cướp lộc, chúng ta cần hiểu hơn về lễ hội cũng như văn hóa tâm linh. Chúng tôi đã đề nghị các địa phương giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống.
Tổ chức hoạt động mê tín dị đoan: Bị phạt 15-20 triệu đồng
Theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, lợi dụng hoạt động tổ chức lễ hội để trục lợi; tham gia hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng, 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Phục hồi phong tục tập quán gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân cách con người và truyền thống văn hóa Việt Nam; ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội. Phạt tiền từ 15 -20 triệu đồng: Tổ chức lễ hội không đúng với bản chất, ý nghĩa lịch sử, văn hóa; thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam; tổ chức hoạt động mê tín dị đoan...
Bình luận (0)