Chiều 22-9, sau 8 giờ đi bộ kiểm tra hiện trường vụ phá rừng phòng hộ nghiêm trọng ở xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã có buổi làm việc với các lực lượng chức năng của địa phương. Ông Thanh cho biết sau khi báo chí thông tin, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, báo cáo. Hiện nay, Công an huyện Tiên Phước đã khởi tố vụ án, đang củng cố hồ sơ để khởi tố bị can.
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đi bộ hơn 8 giờ thị sát hiện trường vụ phá rừng phòng hộ
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, từ năm 2010 đến giữa tháng 9-2017, cơ quan chức năng phát hiện và lập hồ sơ 54 vụ phá rừng để lấy đất sản xuất tại xã Tiên Lãnh, với tổng diện tích hơn 124,8 ha. Trong số này có 68,296 ha giao khoán bảo vệ rừng (do Ban Quản lý trồng rừng huyện Tiên Phước giao cho nhóm hộ) và 49,359 ha do UBND xã Tiên Lãnh quản lý. UBND huyện Tiên Phước đã ban hành quyết định thu hồi diện tích vi phạm và giao cho UBND xã quản lý 19 vụ/52,994 ha, khởi tố hình sự 10 vụ và đang điều tra, xử lý 25 vụ.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND huyện Tiên Phước, lãnh đạo xã Tiên Lãnh, công an huyện và lực lượng kiểm lâm đều viện đủ lý do theo kiểu "rừng rộng - lực lượng mỏng" để né tránh trách nhiệm.
Đại tá Nguyễn Đức Dũng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, cho rằng cần xem xét trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm, cơ quan chức năng ở địa phương khi để rừng bị tàn phá trong thời gian dài. Một số vụ án được kiểm lâm khởi tố nhưng chậm bàn giao hồ sơ cho công an nên truy tìm thủ phạm rất khó khăn.
Ông Lê Trí Thanh cho rằng qua khảo sát thực tế có thể nhận thấy kẻ chủ mưu phá rừng "không hề đơn giản, đã có tính toán rất bài bản". Hiện nay đường sá đi lại rất khó khăn, nếu phá rừng nơi đây sẽ khó di chuyển gỗ ra ngoài bán. Nhưng theo kế hoạch, quý I/2018 thủy điện Sông Tranh 2 sẽ tích nước và đường Đông Trường Sơn đang xây dựng sắp hoàn thành, việc xử lý gỗ sẽ đơn giản hơn.
Ông Thanh khẳng định rừng bị phá do chính quyền địa phương buông lỏng quản lý. Công an tỉnh Quảng Nam xem xét tính chất của vụ án, có thể rút hồ sơ lên tỉnh thụ lý và điều tra, xử án điểm để răn đe. "Kẻ chủ mưu "không đơn giản", phải có tiềm lực kinh tế và có kiến thức mới có thể có những tính toán kỹ như vậy cho nên phải điều tra làm rõ, xử lý đúng người, đúng tội. Quá trình điều tra vụ án "không có vùng cấm", dù là ai cũng phải xử lý nghiêm" - ông Thanh chỉ đạo.
Bình luận (0)