Một đêm đầu tháng 8-2022, trong quá trình tuần tra, kiểm soát trên Quốc lộ 22 đoạn qua huyện Hóc Môn, Đội CSGT An Sương (thuộc Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM) phát hiện một đoàn xe Howo (còn gọi xe "hổ vồ") 14 chiếc tập trung dừng, đỗ bất thường trên đường Song hành Quốc lộ 22. Nhận thấy dấu hiệu chở quá khổ, quá tải, Đội CSGT An Sương đã phối hợp với Đội CSGT - Trật tự Công an huyện Hóc Môn ập tới kiểm tra.
Đội CSGT An Sương làm việc với một tài xế trong đoàn 14 chiếc “hổ vồ”. Ảnh: Ý LINH
Vào đường cấm để... "né chốt"
Đúng như dự đoán, trong đoàn xe có 2 chiếc chở hàng vượt trọng tải cho phép từ 50%-100%, 10 chiếc khác vượt từ 100%-150%. Hai chiếc còn lại gây choáng váng thực sự khi chở hàng vượt trọng tải cho phép trên 150%.
Toàn bộ đoàn xe "hổ vồ" này đều chở hàng vượt quá chiều cao cho phép, trong đó 7 phương tiện có chiều cao xếp hàng gấp đôi. Ngoài ra, sự coi thường quy định của những tài xế còn thể hiện ở việc họ đi vào đường chỉ cho phép trọng tải toàn bộ xe không quá 5 tấn.
Đội CSGT An Sương cho biết đây là đoàn xe chở đất từ Bình Dương đi san lấp công trình tại Long An. "Chủ các xe này đều cho người đi trước nắm tình hình. Khi thấy CSGT tuần tra trên đường thì người "cảnh giới" này sẽ báo tin để các tài xế chọn phương án né. Đường Song hành Quốc lộ 22 là điểm dừng chờ thời cơ vượt chốt của họ…" - một cán bộ Đội CSGT An Sương "vạch mẹo" của những tài xế vi phạm.
Theo tìm hiểu, dù đang trong đợt cao điểm xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông tại TP HCM (từ ngày 20-6 đến 20-9) song các trường hợp như trên vẫn diễn ra nhiều. Chỉ tính từ đầu đợt cao điểm đến ngày 31-7, lực lượng CSGT TP HCM đã phát hiện và xử lý 446 xe chở quá tải, 125 xe chở quá khổ, 145 trường hợp vi phạm quy định về cơi nới thùng xe.
Thanh tra giao thông kiểm tra kích thước thùng, thành của một phương tiện tại huyện Củ Chi. Ảnh: THU HỒNG
Cần sớm áp dụng công nghệ
Ông Lê Văn Thường, Phó chánh Thanh tra giao thông Sở GTVT TP HCM, nhận định xe quá tải, quá khổ còn chạy trên đường là do chủ xe, chủ hàng vì lợi nhuận nên vi phạm. Những vi phạm này thường diễn ra ban đêm, khi lực lượng chức năng mỏng. Ông Thường cho rằng nhờ xử lý vi phạm thường xuyên, tuyên truyền rộng rãi nên số trường hợp vi phạm có giảm.
Để xử lý hiệu quả hơn, theo Phó chánh Thanh tra Sở GTVT TP HCM, cần sớm thí điểm cân tự động nhằm làm căn cứ xử phạt khi xe, tài xế, chủ xe không ở hiện trường nơi phát hiện vi phạm. Bên cạnh đó, tăng cường phạt nguội qua hình ảnh, bởi phạt nguội không chỉ mang tính chính xác cao mà còn hạn chế tác động của con người, tránh những hành vi chống đối, gây mất an ninh trật tự trên đường.
Ông Thường cho hay việc phạt nguội qua hình ảnh được Thanh tra Giao thông TP HCM thực hiện từ tháng 6-2022. Theo đó, khi phát hiện phương tiện cơi nới thành, thùng, lực lượng chức năng sẽ ghi hình làm chứng cứ rồi gửi thông báo cho chủ xe, tiến hành lập biên bản vi phạm. Trường hợp thông báo nhưng chủ xe không đến, thanh tra giao thông sẽ gửi thông báo cảnh báo phương tiện vi phạm đến Cục Đăng kiểm để ngăn chặn đăng kiểm theo quy định.
Với phương án dùng cân tự động làm căn cứ xử phạt, Sở GTVT TP HCM cho biết đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT thí điểm tại trạm kiểm tra tải trọng khu vực cầu Ông Lớn (quận 7) và trạm BOT An Sương - An Lạc (quận Bình Tân).
Quy trình "phạt nguội" này tương tự mô hình Tổng cục Đường bộ đã thực hiện trên Quốc lộ 5 (Hải Phòng). Theo đó, khi phát hiện xe vi phạm ở trạm cân, dữ liệu chuyển qua Thanh tra Sở GTVT để xác minh, lập hồ sơ xử lý và gửi thông báo đến chủ xe. Nếu quá hạn giải quyết mà chủ xe chưa đến, đơn vị xử lý gửi thông báo tới cơ quan đăng kiểm đưa vào diện cảnh báo liên quan vi phạm hành chính.
"Hình thức này giúp nâng cao hiệu quả xử lý, giảm cự cãi giữa người vi phạm với lực lượng làm nhiệm vụ. Sau thời gian thí điểm, thành phố sẽ đánh giá hiệu quả và đề xuất nhân rộng tại các trạm cân còn lại"- đại diện Sở GTVT TP HCM thông tin.
"Đánh gần và chặn xa"
Theo lãnh đạo Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt TP HCM, hành vi chở quá tải, cơi nới thùng xe không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu hạ tầng giao thông mà còn tiềm ẩn nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông, đe dọa tính mạng người đi đường. Do vậy, lực lượng CSGT thành phố xác định việc tuần tra, kiểm soát, xử lý tình trạng trên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được thực hiện thường xuyên, liên tục.
Nói về biện pháp ngăn chặn từ xa, Sở GTVT TP HCM cho hay toàn thành phố có 7 trạm cân kiểm soát tải trọng phương tiện đặt tại các tuyến đường cửa ngõ như đường Nguyễn Văn Linh (2 trạm), đường Võ Chí Công (1 trạm), đường Đồng Văn Cống (1 trạm), Quốc lộ 1 (2 trạm) và 1 cân lưu động. Các trạm cân hoạt động toàn bộ thời gian mỗi ngày.
Giai đoạn 2016-2021, thông qua hệ thống các trạm cân, Thanh tra Sở GTVT TP HCM đã lập biên bản 6.166 trường hợp vi phạm với số tiền phạt gần 80 tỉ đồng. Từ tháng 11-2020 đến nay, Sở GTVT thí điểm xử phạt vi phạm hành chính theo quy trình một cấp cân (không cân lần 2 với xe đã phát hiện vi phạm) tại các trạm cầu Ông Lớn, trạm BOT An Sương - An Lạc và đã xử lý 803 trường hợp với số tiền 11,8 tỉ đồng.
Bình luận (0)