Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Mục tiêu GDP: 6,7%
Để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đề ra phương châm hành động "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả". Bên cạnh đó, xác định trọng tâm là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 6,7%, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%. Giảm tỉ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5%. Bảo đảm tỉ trọng chi đầu tư phát triển 26%, tỉ trọng chi thường xuyên 64,1%.
Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ sẽ chấn chỉnh bất cập các dự án đối tác công tư, nhất là dự án BOT.
Trong ảnh: Trạm thu phí BOT trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai
Tăng cường hiệu quả đầu tư công, bảo đảm cân đối về đầu tư phát triển, phấn đấu đạt tỉ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33% - 34% GDP; tăng tỉ trọng vốn đầu tư tư nhân lên khoảng 41%. Xây dựng định hướng thu hút có chọn lọc các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp (DN) trong nước với DN FDI. Nghiên cứu, xây dựng chương trình quốc gia về tăng trưởng năng suất lao động, phấn đấu năng suất lao động xã hội tăng trên 6%.
Nghị quyết nêu rõ việc quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả tài sản công, nợ công; tăng cường quản lý các quỹ ngoài ngân sách; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vay, sử dụng vốn vay, trả nợ. Phấn đấu đến cuối năm 2018, dư nợ công khoảng 63,9% GDP, nợ Chính phủ khoảng 52,5% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 47,6% GDP. Phấn đấu đạt tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu từ 8% đến 10% so với năm 2017, kiểm soát nhập siêu dưới 3% so với tổng kim ngạch xuất khẩu.
Chấn chỉnh bất cập BOT
Nghị quyết khẳng định việc tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ đầu tư công; kiên quyết phòng chống lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí; chấn chỉnh những bất cập trong các dự án đối tác công tư, nhất là các dự án BOT. Khẩn trương rà soát tổng thể hình thức đầu tư BOT, các trạm BOT giao thông đường bộ nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, DN và người dân.
Đặc biệt, tập trung chỉ đạo điều tra các vụ án tham nhũng lớn để truy tố, xử lý nghiêm minh trước pháp luật theo tinh thần không có vùng cấm. Kiên quyết xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng; không hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế. Đẩy mạnh công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; triển khai thanh tra theo kế hoạch gắn với thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm. Tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng dư luận quan tâm, có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo như: Đất đai; các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT; cổ phần hóa DN nhà nước; hải quan...
Thành lập ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN
Một nội dung đáng chú ý trong Nghị quyết 01 là thành lập ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN. Tổ chức phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DN nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào DN. Đẩy mạnh cổ phần hóa gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán và thoái vốn nhà nước tại các DN này; tạo chuyển biến căn bản trong việc xử lý các DN, dự án thua lỗ.
Trong năm 2018, phấn đấu giảm khoảng 2,5% số đơn vị sự nghiệp công lập. Quản lý chặt chẽ số lượng biên chế công chức, biên chế sự nghiệp; dừng việc giao bổ sung biên chế. Trong năm 2018, giảm 1,7% biên chế công chức so với số giao năm 2015; giảm tối thiểu 2,5% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với số giao năm 2015.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong xây dựng pháp luật, thực thi công vụ. "Kịp thời thay thế các cán bộ, công chức trì trệ, cản trở, không hoàn thành nhiệm vụ. Xử lý nghiêm và kịp thời theo quy định của pháp luật các tổ chức và cá nhân có vi phạm trong thực thi công vụ. Xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, sách nhiễu người dân và DN" - Nghị quyết 01 nêu rõ.
Thúc đẩy đàm phán, xây dựng COC
Nghị quyết 01 thể hiện quyết tâm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền và các lợi ích chính đáng của Việt Nam. Thúc đẩy đạt kết quả thực chất trong giải quyết các vấn đề biên giới trên biển và các vấn đề biên giới đất liền còn tồn đọng với các nước. Đẩy mạnh việc thực hiện nghiêm túc Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC); thúc đẩy đàm phán, xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
Bình luận (0)