Những ngày đầu xuân mới, ai có dịp quay trở lại xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) sẽ không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến bộ mặt xóm làng hoàn toàn đổi khác. Con đường nối từ Quốc lộ 40B dẫn vào trung tâm xã đã bớt khó đi hơn, những ngọn đồi từng ngổn ngang vì đất đá sạt lở nay đã đổi khác khi mầm xanh dần thay thế những mảng màu u ám.
Ngôi làng mới khang trang được dựng lên cho bà con vùng sạt lở Trà Leng tái định cư
Một ngôi làng mới khang trang đã được dựng lên làm nơi tái định cư cho bà con Trà Leng bị sạt lở đất vùi lấp nhà cửa. 51 căn nhà sàn được làm tường xây, sàn đúc kiên cố mái đỏ tươi mới được xếp thành ô bàn cờ rất đẹp. Ở giữa làng, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng theo đúng mô hình nhà cộng đồng truyền thống của người dân địa phương được chính tay các cán bộ, chiến sĩ Bộ tư lệnh Quân khu 5 xây dựng.
Nơi đây sẽ là điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng và là nơi trú ẩn an toàn cho bà con trong mùa mưa bão. Khắp làng, tiếng con trẻ nô đùa trước những khoảng sân rộng làm huyên náo một góc rừng. Một sức sống mới đang dần hồi sinh trên vùng đất vừa trải qua nhiều nỗi đau mất mát từ thiên tai.
Những ngôi nhà được xây dựng kiên cố sẽ giúp bà con yên tâm sinh sống
Đang loay hoay bưng chậu quất đặt lên bàn tiếp khách những ngày Tết, anh Nguyễn Thành Sơn cho hay 3 tháng qua là khoảng thời gian tang thương và khó khăn nhất đối với người dân thôn 1 (xã Trà Leng). Sau vụ sạt lở kinh hoàng hôm 28-10, vợ anh Sơn mất đi để lại 4 đứa con thơ dại. Nhờ có sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và nhà hảo tâm, anh cùng 4 đứa con mới có nơi mới để tá túc, ổn định cuộc sống.
"Nhìn các con hò reo vui vẻ khi dọn về nhà mới sau những ngày sống tạm bợ, mọi người cũng vơi bớt nỗi đau, sự lo lắng. Có lẽ, vợ tôi ở bên kia thế giới cũng an lòng hơn" - anh Sơn tâm sự.
Già Hồ Văn Đề đã có thể nở nụ cười trên môi khi được dọn về nhà mới đón Tết
Già Hồ Văn Đề, người không may mất đi 8 người thân xúc động nói: "Sau trận lũ, gia đình tôi mất mát quá lớn, quá sức chịu đựng. Nhưng được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự cưu mang đùm bọc của cán bộ, bộ đội và đồng bào nên vợ chồng tôi cảm thấy bớt đau buồn. Nay được nhận nhà mới, tôi rất phấn khởi. Cảm ơn chính sách của Đảng, Nhà nước lo cho đồng bào vùng thiên tai".
Tết ấm cúng xua bớt nỗi đau thương, mất mát của người dân Trà Leng
Đến Trà Leng những ngày này có thể cảm nhận nhịp sống hồi sinh mạnh mẽ. Những tia nắng ấm đã xua tan đi cái lạnh giá, lấm lem và tang tóc nơi đây. Không khí xuân càng rộn ràng khi hai bên đường vào làng tái định cư được cắm cờ Tổ quốc, trưng các cặp chậu hoa cúc vàng để chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc. Làng tái định cư sáng bừng không gian Tết.
Tương tự ở Nam Trà My, dù khó khăn hơn trong công cuộc tái thiết cuộc sống do đường sá bị sạt lở nghiêm trọng, phải mất hơn 1 tháng mới sửa xong nhưng tới thời điểm này, người dân ở các vùng sạt lở tại huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) cũng đang dần ổn định cuộc sống, đón một mùa xuân mới với nhiều hy vọng cuộc sống sẽ bớt khó khăn hơn.
Tại thôn Trà Văn A (xã Phước Kim, huyện Phước Sơn), nhờ sự giúp đỡ của một doanh nghiệp, hàng chục ngôi nhà mới của đồng bào Bh’noong đã được xây dựng khang trang. Nắng lên, từng căn nhà mới hiện dưới màn sương núi, tung bay màu cờ phấp phới.
Sắc xuân ngập tràn ngôi làng Trà Văn A ở xã Phước Kim, huyện Phước Sơn
Ông Trần Văn Lý - trưởng thôn Trà Văn A nói rằng 3 tháng trước, chứng kiến sự cuồng nộ của lũ dữ, người làng không ai dám nghĩ đến chuyện hôm nay. Toàn bộ 26 căn nhà đã sụp đổ, trôi sông, cùng nhiều căn nhà khác bị hư hại nặng nề, khiến cuộc sống của người Bh’noong như rơi vào bế tắc.
Sau vài ngày chịu đói, cả làng Trà Văn A được tiếp tế lương thực. Chính quyền xã, huyện di dời toàn bộ những hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm đến vị trí mới an toàn. Một doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn đứng ra san ủi mặt bằng mới, giúp bà con dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống ban đầu. Mỗi ngôi nhà có diện tích 50 m2, được xây dựng trên mặt bằng hơn 1.500 m2 theo quy mô nhà cấp 4, đảm bảo các điều kiện để người dân ổn định đời sống mới với tổng kinh phí gần 2 tỉ đồng.
Ngày khánh thành nhà mới, người làng Trà Văn A quây quần bên nhau bằng một bữa cơm chung ấm cúng. Lần đầu tiên, đồng bào địa phương được ăn một tiệc "tất niên chung" trong điều kiện đặc biệt như thế này. Mùa xuân về, nụ cười của những đứa trẻ nghèo khó đã nở trên môi, mọi người đều có niềm tin rằng khó khăn sẽ nhanh qua, cuộc sống người dân sẽ bình thường trở lại.
Bình luận (0)