Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, ghi nhận đến ngày 15-12, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 700 tỉ USD, vượt khá xa mốc 600 tỉ USD đạt được năm 2021. Đáng chú ý, tính đến hết ngày 30-11, cán cân thương mại của Việt Nam thặng dư hơn 10,6 tỉ USD, cách rất xa mức thặng dư 4 tỉ USD hồi năm ngoái.
Liên tiếp phá kỷ lục
Trong những năm qua, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam có bước tiến mạnh mẽ về mặt quy mô và tốc độ. Nếu như năm 2007, sau khi chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam ghi nhận tổng trị giá xuất nhập khẩu là 100 tỉ USD thì năm 2011 đã tăng lên 327,76 tỉ USD. Năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt kỷ lục 517,26 tỉ USD rồi tiếp tục thiết lập cột mốc 668,54 tỉ USD vào năm 2021. Với kỷ lục mới của năm nay, điểm sáng xuất nhập khẩu được đánh giá sẽ tiếp tục đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, nhấn mạnh việc kiểm soát tốt dịch COVID-19 và sớm ổn định, phục hồi sản xuất - kinh doanh là yếu tố rất quan trọng giúp Việt Nam không ngừng tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu. Mặt khác, kết quả này thể hiện doanh nghiệp (DN) thuộc các lĩnh vực đã và đang tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết trong thời gian qua.
Đặc biệt, trong số những thị trường ghi nhận tăng trưởng xuất nhập khẩu với Việt Nam, không ít thị trường thuộc khu vực có các FTA. Chẳng hạn, FTA giữa Việt Nam - châu Âu (EVFTA) đã trở thành "đường cao tốc" đưa nhiều hàng hóa của Việt Nam đến thị trường châu Âu, như thủy sản, lúa gạo, dệt may... Bên cạnh đó, các ngành xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ... phát huy được lợi thế mạnh mẽ nhờ FTA giữa Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) với 14 mặt hàng được miễn thuế xuất khẩu.
Cũng theo Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải, việc Chính phủ, bộ, ngành, địa phương nỗ lực tạo thuận lợi cho thương mại thông qua cải cách hành chính, xúc tiến thương mại... cũng là động lực quan trọng cho kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng.
Thủy sản, thực phẩm hồi phục hoàn toàn
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), xuất khẩu nông - lâm - thủy sản tính đến thời điểm này đã chính thức thiết lập kỷ lục mới với kim ngạch 49,04 tỉ USD, vượt qua con số 48,6 tỉ USD của cả năm 2021. Toàn ngành xuất siêu 7,82 tỉ USD, tăng 47,8% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo cả năm 2022, xuất khẩu toàn ngành đạt trên 53 tỉ USD.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm nay dự báo sẽ cán mốc 11 tỉ USD. Tính đến thời điểm này, xuất khẩu tôm đạt 4,3 tỉ USD, tăng 30%; xuất khẩu cá tra hơn 2 tỉ USD, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm 2021 và có khả năng vượt 2,5 tỉ USD cuối năm nay; cá ngừ lần đầu tiên xuất khẩu vượt mốc 1 tỉ USD. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá xuất khẩu thủy sản đã phục hồi hoàn toàn sau dịch COVID-19. Các thị trường chủ chốt như châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản đã chiếm đến 74% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản; trong đó thị trường Mỹ đạt 2 tỉ USD.
Với ngành chế biến thực phẩm, ông Montri Suwanposri, Tổng Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam, cho biết nhu cầu sử dụng thực phẩm chế biến trên thế giới hiện rất lớn. Do đó, công ty đã đầu tư hàng trăm triệu USD để xây dựng hệ thống nhà máy khép kín nhằm đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường nhập khẩu. Cuối tháng 10 vừa qua, công ty xuất khẩu thành công lô thịt gà chế biến gần 34 tấn sang thị trường Nhật, nâng tổng lượng xuất khẩu thịt gà của công ty sang thị trường này cả năm nay là gần 100 tấn. Ngoài Nhật, công ty còn xuất khẩu sản phẩm thịt gà chế biến sang một số thị trường như Lào, Hồng Kông (Trung Quốc) và sắp tới là châu Âu, Trung Đông.
Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cũng cho biết DN đã xuất khẩu sản phẩm thực phẩm chế biến ra nước ngoài để nới rộng "room" phát triển bởi thị trường trong nước đã bão hòa. "Nguồn cung trong nước với giá thành tốt có thể cạnh tranh được so với sản phẩm cùng phân khúc ở nước ngoài. Thực phẩm chế biến tạo ra giá trị gia tăng khá cao, đây là lợi thế lớn để DN trong nước phát huy. Trước mắt, chúng tôi xuất khẩu sản phẩm sang một số thị trường ở khu vực châu Á, sau đó mở rộng sang nhiều thị trường hơn trong khu vực" - ông Thiện cho hay.
Nhiều sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu đạt tăng trưởng cao trong năm 2022Ảnh: AN NA
Gạo ngon tự tin đi Mỹ, châu Âu
Ông Nguyễn Lưu Tường, Giám đốc Công ty TNHH Gạo Ngon Nhất (TP HCM), cho biết DN đã xuất khẩu thành công 7 lô gạo mang thương hiệu của chính mình sang Mỹ dù chỉ mới gia nhập thị trường xuất khẩu từ đầu năm 2022. Sản phẩm của DN này xuất khẩu sang Mỹ có 3 quy cách đóng gói là 2 kg, 5 kg và 11,34 kg; được trưng bày trực tiếp trên kệ hàng. Mỗi đợt hàng, DN xuất khẩu 3 container (18 tấn gạo/container), đơn giá trung bình 1,4 USD/kg - mức giá khá tốt đối với gạo xuất khẩu hiện nay. "Mỹ là một thị trường khó với gạo Việt Nam bởi tiêu chuẩn rất cao nhưng chúng tôi chinh phục được nhờ kiểm soát tốt quy trình sản xuất từ vùng trồng đến chế biến, đóng gói" - ông Tường tiết lộ.
Công ty TNHH Gạo Ngon Nhất cũng đang hợp tác với đối tác ở Lào để xây dựng vùng nguyên liệu nếp Lào đặc sản; kết hợp công nghệ hun trùng hữu cơ (xử lý trứng mọt gạo) cùng công nghệ xay xát, đóng gói hút chân không. Với sự đầu tư bài bản như vậy, DN không chỉ có sản phẩm tốt đưa về Việt Nam mà còn có thể xuất khẩu ra nhiều thị trường khác, khẳng định bước tiến của gạo Việt trên thương trường quốc tế.
Bà Trương Thị Hồng Hà, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại quốc tế Khánh Hà (TP HCM; chuyên sản xuất các sản phẩm từ bột gạo), cho biết hiện DN không nhận đơn hàng giao ngay do phải tập trung trả đơn hàng đã ký đến tháng 4-2023. "Châu Âu đang có nhu cầu cao về các mặt hàng lương thực, đặc biệt là bún, phở, nui... Chúng tôi đang khẩn trương xây cho xong nhà máy mới ở Bình Thuận để đáp ứng đơn hàng xuất khẩu. Dự kiến, qua Tết Nguyên đán Quý Mão, DN sẽ tăng năng lực xuất khẩu từ 2 lên 5 container/tháng (mỗi container 20 tấn), phát triển thêm nhiều sản phẩm từ bột gạo cho thị trường châu Âu" - bà Hà thông tin.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ NN-PTNT, cho biết tính đến hết tháng 11-2022, xuất khẩu gạo cả nước đạt mức kỷ lục 7 triệu tấn, tương đương hơn 3 tỉ USD. Gạo Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, châu Âu, Mỹ..., thậm chí được vào thực đơn bữa ăn của Nội các Nhật Bản. Bên cạnh đó, sản phẩm chế biến sau gạo cả dạng khô lẫn dạng cấp đông cũng đang xuất khẩu rất tốt, nhiều khách hàng quan tâm. Xuất khẩu sản phẩm chế biến sau gạo cũng là định hướng của ngành gạo Việt Nam bởi sản phẩm chế biến có tỉ suất lợi nhuận cao, giúp nâng cao giá trị cho ngành lúa gạo Việt Nam.
"Kết quả trên có được là nhờ ngành lúa gạo đã có một quá trình để chọn tạo nhiều bộ giống lúa đáp ứng yêu cầu các thị trường nhập khẩu, hoàn toàn không phải do may rủi" - ông Cường nhấn mạnh.
Về xuất khẩu trái cây, Bộ NN-PTNT đã hoàn thành thủ tục xuất khẩu trái nhãn sang Nhật Bản, khoai lang sang Trung Quốc và chanh, bưởi sang New Zealand. Việc mở cửa được thị trường và ký kết nghị định thư để xuất khẩu chính ngạch nông sản sẽ tạo điều kiện pháp lý rõ ràng minh bạch, tạo động lực cho sản xuất chuyên nghiệp, bài bản, quy mô lớn.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho hay năm nay, xuất khẩu rau quả ước đạt khoảng 3,4 tỉ USD. Các thị trường tiêu thụ lớn là Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Úc, Trung Đông đều tăng trưởng; chỉ riêng thị trường Trung Quốc sụt giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng bởi chính sách "Zero COVID". Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group, năm nay xuất khẩu trái cây thành công lớn là nhờ vào việc ký kết được nhiều nghị định thư, trong đó riêng sầu riêng xuất khẩu chính thức sang Trung Quốc chỉ trong 2 tháng qua đã đạt 230 triệu USD, tương đương khả năng xuất khẩu đến 2 tỉ USD/năm sang thị trường này.
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu
Theo Bộ Công Thương, kể từ quý IV/2022, thị trường quốc tế có những diễn biến không thuận lợi khiến đơn hàng sụt giảm; xu hướng bảo hộ thương mại tiếp tục gia tăng... Trước những thách thức được dự báo trước, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu; hướng dẫn DN tận dụng các FTA đã ký kết, hạn chế phụ thuộc vào thị trường truyền thống; tranh thủ nhu cầu khi các nước châu Âu cắt giảm sản xuất đối với một số mặt hàng công nghiệp nặng, hóa chất, phân bón, thép... và nhiều nước hạn chế xuất khẩu lương thực để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này.
Bình luận (0)