Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng phần lớn lượng gạo nhập khẩu là để sử dụng cho ngành chế biến bún, miến, bia..., còn gạo sản xuất trong nước để xuất khẩu. Ở góc nhìn thị trường, hãy cứ để dòng chảy lúa gạo vận hành theo quy luật thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng kể cả gạo ăn và gạo nguyên liệu cho sản xuất ở nhiều phẩm cấp, chủng loại. Trong một nền kinh tế mở, xuất - nhập khẩu luôn là một bài toán cân bằng lợi ích, không thể tăng quản xuất khẩu mà buông lỏng nhập khẩu.
Chỉ trong quý I/2021, lượng gạo nhập từ Ấn Độ đạt mức kỷ lục 46.700 tấn, tăng 554 lần so với cùng kỳ năm 2020. Lúc đó, gạo Ấn Độ nhập vào Việt Nam rẻ hơn thị trường gạo trong nước đem xuất khẩu. Hệ quả được ghi nhận là giá gạo trong nước có nhiều biến động và gây bức xúc trong giới thương nhân lẫn nông dân. Số lượng lớn gạo Ấn Độ nhập về đã khiến cho giá gạo của Việt Nam xuất khẩu đi các nước giảm tới 50 USD/tấn. Vấn đề nảy sinh cần có sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước. Bộ Công Thương đã hỏa tốc kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động xuất - nhập khẩu gạo có liên quan.
Tình hình thực tế đang lặp lại với cường độ mạnh hơn. Xuất khẩu gạo 10 tháng đầu năm 2022 tăng mạnh, đạt 6,07 triệu tấn, mang về 2,94 tỉ USD, tăng 17,2% về khối lượng và 7,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi nông dân và giới kinh doanh xuất khẩu gạo phấn khởi thì cũng có gần 1 triệu tấn gạo, trong đó gạo Ấn Độ - 1 trong 2 đối thủ cạnh tranh xuất khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam - nhập vào, chiếm hơn 72%.
Bộ Công Thương đã công bố dự thảo và có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi Nghị định 107 về kinh doanh xuất khẩu gạo đang bộc lộ một số bất cập trong công tác quản lý, trong đó nổi lên là vấn đề nhập khẩu gạo. Theo quy định hiện hành, chúng ta chỉ mới tăng cường quản lý về kinh doanh xuất khẩu gạo. Việc quản lý nhập khẩu gạo gần như bỏ ngỏ với nhiều bất cập về thông tin, số liệu, thực trạng tình hình, tiến hành hậu kiểm.
Dự thảo sửa đổi Nghị định 107 về kinh doanh xuất khẩu gạo tập trung vào 8 vấn đề, trong đó có quy định khi xuất hiện lượng gạo nhập khẩu tăng có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng áp dụng biện pháp quản lý nhập khẩu.
Ngành hàng lúa gạo cần được chuyển đổi bằng tư duy mới, cách tiếp cận mới, bằng công nghệ, linh hoạt với thị trường để tạo ra giá trị mới. Trọng cung hay trọng cầu gạo Việt? Câu trả lời là phải dựa trên kết quả cân đối hài hòa giữa tiêu dùng trong nước, dự trữ và xuất khẩu gạo. Xây dựng cơ chế điều hành xuất khẩu gạo với yêu cầu linh hoạt, phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước không thể bỏ qua những tác động bất thường đối với nhập khẩu gạo như tình hình hiện nay.
Bình luận (0)