Tiền thân là Báo Công nhân giải phóng, Báo Người Lao Động là một trong những tờ báo của TP HCM được thành lập sớm nhất sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là tờ báo đầu tiên của TP HCM đại diện cho tiếng nói của công nhân, người lao động sau ngày giải phóng, cùng với các cơ quan, báo chí đã động viên người dân bước vào thời kỳ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhịp cầu giữa người lao động và doanh nghiệp
Xuyên suốt chặng đường xây dựng và phát triển gần nửa thế kỷ, Báo Người Lao Động luôn bám sát tôn chỉ, mục đích ban đầu của mình: tiếng nói của người lao động, phục vụ lợi ích chính đáng của người lao động và nhân dân TP HCM. Điều này thể hiện rõ qua việc Báo Người Lao Động dành gần 2 trang/số báo với tên Công đoàn - Công nhân, bám sát và phản ánh đa chiều, sinh động hoạt động của tổ chức Công đoàn thành phố, đặc biệt là Công đoàn cơ sở. Báo cũng luôn đi đầu trong việc phát hiện và triển khai rất nhiều tuyến bài nêu lên các vấn đề mà người lao động quan tâm về chính trị, an sinh, kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục...; thể hiện tâm tư, nguyện vọng của người dân, chuyển đến cơ quan chức năng để kịp thời tháo gỡ. Khó có tờ báo nào ghi nhận được hết hoạt động của tổ chức Công đoàn, của công nhân như Báo Người Lao Động.
Báo Người Lao Động còn là nhịp cầu giữa người lao động và người sử dụng lao động. Bằng những bài viết của mình, Báo Người Lao Động đã khéo léo làm hài hòa lợi ích đôi bên: doanh nghiệp và người lao động. Việc này rất quan trọng, không chỉ là chủ trương của Đảng, Nhà nước mà đặc biệt trong tình hình mới hiện nay với nhiều tác động lên doanh nghiệp lẫn người lao động, khi cân bằng, hài hòa được lợi ích đôi bên sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề xã hội, tránh những xung đột không đáng có.
Chương trình “Thực phẩm miễn phí cùng cả nước chống dịch năm 2021” của Báo Người Lao Động.Ảnh: Hoàng Triều
Ấn tượng với hoạt động xã hội của báo
Bên cạnh đó, Báo Người Lao Động đã tạo nên được thương hiệu, nét riêng với những hoạt động xã hội sôi nổi, mạnh mẽ, liên tục. Nói đến Báo Người Lao Động mà không nói đến hoạt động sau mặt báo là thiếu sót. Từ những chương trình truyền thống như Giải Mai Vàng, Báo đã phát triển thêm Mai Vàng nhân ái. Có những nghệ sĩ một thời vang bóng nhưng bây giờ cô đơn, bệnh tật, Báo Người Lao Động đã không quên họ. Ngoài chăm lo cho văn nghệ sĩ ở TP HCM, Báo Người Lao Động còn mang tấm lòng thơm thảo của độc giả đến với các nghệ sĩ ở mọi miền đất nước. Điều này cho thấy Giải Mai Vàng thật sự là nơi không chỉ tôn vinh những tác giả, tác phẩm, nghệ sĩ nổi tiếng mà còn luôn ghi nhớ những nghệ sĩ đã góp phần làm nên nền văn hóa, nghệ thuật của TP HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Song song đó, còn rất nhiều chương trình sau mặt báo rất đặc biệt của Báo Người Lao Động trong 2 năm dịch Covid-19 vừa qua. Khi chứng kiến Báo Người Lao Động khai trương "ATM thực phẩm miễn phí" tại trụ sở tòa soạn, hay tham gia các chuyến đi trao cờ Tổ quốc cho ngư dân trong Chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển"…, tôi hết sức tự hào về đội ngũ làm báo của mình. Các bạn không chỉ sắc sảo, bản lĩnh trên trang báo mà còn rất tận tâm, tận lực phục vụ người dân, đặc biệt là người dân nghèo, vùng sâu vùng xa. Làm lan tỏa tấm lòng của những người làm báo thật sự là những chiến sĩ cách mạng như Cụ Hồ nói: Mỗi nhà báo là một người chiến sĩ cách mạng. Mà người chiến sĩ thì luôn đặt việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân làm niềm tin và lẽ sống.
Bình luận (0)