Hiện nay, YouTube áp dụng chính sách thưởng tiền đối với các nhà sáng tạo nếu đạt các cột mốc về lượng người đăng ký theo dõi kênh của mình (sub - subcribers).
Mặt trái khen thưởng
Theo chính sách này, có 3 cột mốc khen thưởng, gồm: Nút Play Bạc (đạt 100.000 người đăng ký), nút Play Vàng (đạt 1 triệu người đăng ký) và nút Play Kim cương (từ 10 triệu người đăng ký theo dõi).
Các chuyên gia về an ninh mạng cho rằng việc khen thưởng này đã tiếp tay, giúp các "nhà sáng tạo" dùng mọi chiêu trò để câu view, thu hút người xem mà Khá Bảnh là một điển hình.
Đó cũng là lý do mà trên kênh của mình, rất nhiều lần Khá Bảnh quảng cáo cho các trang web cá cược bóng đá, lô đề, xóc dĩa... và kêu gọi người xem tham gia. Còn trên Facebook, không chỉ đăng hình ảnh cổ xúy cho bạo lực với chửi thề, dao, kiếm, Khá Bảnh còn tạo Fanpage để công khai quảng cáo cho một trang web cá độ, cờ bạc trực tuyến. Những thông tin, hình ảnh, video như vậy khiến nhiều người bất bình nhưng một bộ phận khá lớn thanh niên hào hứng tham gia.
Các khuyến cáo nhằm ngăn chặn việc đăng tải thông tin, hình ảnh xấu, nguy hại của YouTube
Nói về vụ việc để "giang hồ mạng" tự tung tự tác trên YouTube, đại diện truyền thông tại Việt Nam của Google (chủ sở hữu YouTube) quả quyết: "Gần đây, chúng tôi đối mặt với các hành vi tiêu cực của một số kênh YouTube, làm tổn hại đến danh tiếng chung của cộng đồng nhà sáng tạo nội dung trong mắt các nhà quảng cáo, ngành công nghiệp truyền thông và quan trọng nhất là công chúng. Đối với những hành vi này, chúng tôi cam kết thắt chặt các chính sách của YouTube và sẽ thông tin một cách nhanh chóng và minh bạch hơn. Chúng tôi đã ban hành các biện pháp xử lý mới đối với những trường hợp cá biệt khi hành vi tiêu cực của một nhà sáng tạo làm ảnh hưởng đến toàn bộ cộng đồng".
Về trường hợp các trang Facebook như của Khá Bảnh vẫn đang tồn tại, thông tin lệch chuẩn, nguy hại cho xã hội, đại diện mạng xã hội này cho biết đã nắm bắt thông tin và đang xác minh. Trong trường hợp các trang Facebook này vi phạm chính sách của Facebook, Facebook sẽ tiến hành xử lý theo quy định.
Phải có biện pháp mạnh
Trong khi đó, bình luận về các chính sách và phương thức quản lý của YouTube, một chuyên gia về bảo mật tại TP HCM (xin không nêu tên) nhìn nhận YouTube xử lý các video dựa vào quy định có tên gọi là "Chính sách cộng đồng". Theo chính sách này, các video có nội dung bạo lực, khiêu dâm, liên quan đến ma túy… có thể bị YouTube xóa, khóa tài khoản. "Tuy nhiên, quy định này theo tôi là vô cùng lỏng lẻo và thiếu cụ thể, không phù hợp với từng quốc gia. Các video của các "giang hồ mạng" trên YouTube mà tôi được xem đầy những lời lẽ tục tĩu, cổ động cho việc sử dụng chất kích thích, đánh nhau... nhưng YouTube đã làm ngơ. Thậm chí, họ còn trả tiền cho những người tạo ra các video này" - vị chuyên gia nói.
Cũng theo vị chuyên gia này, YouTube cần xem lại các chính sách cộng đồng, phải điều chỉnh sao cho cụ thể, phù hợp với thị trường Việt Nam. "Quan trọng nhất là YouTube phải có các biện pháp xử lý mạnh tay với các video kiểu "giang hồ mạng". Nếu không thay đổi, dung dưỡng thì rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến giới trẻ và ảnh hưởng đến những người làm video chân chính trên YouTube" - vị chuyên gia khuyến cáo.
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo an ninh mạng ATHENA TP HCM, đánh giá những clip của các "giang hồ mạng" như Khá Bảnh không phù hợp với đạo đức, cổ xúy bạo lực, tạo ra nhận thức lệch lạc trong giới trẻ. "Thực tế thì những clip đầy lời lẽ tục tĩu, giang hồ đao kiếm như vậy có tác động mạnh đến giới trẻ. Hậu quả là giới trẻ bắt đầu có những suy nghĩ, hành vi lệch lạc, cư xử không đúng mực, thậm chí làm theo là rất nguy hiểm" - ông Thắng bày tỏ lo lắng.
Điều mà ông Thắng băn khoăn là hiện nay các cơ quan chức năng rất bị động trong việc phát hiện, xử lý ngay từ đầu với các kiểu "giang hồ mạng" như vậy. Cho nên, đến khi sự việc bùng nổ thì mọi chuyện đã muộn.
Bình luận (0)