Đây là thông tin được ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), đưa ra tại Diễn đàn "Chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Nam 2024" do Hiệp hội tư vấn tài chính Việt Nam tổ chức ngày 26-3, tại Hà Nội.
Theo Thứ trưởng Đông, Việt Nam định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc hướng đến các dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao và có tính lan tỏa, kết nối với các doanh nghiệp trong nước.
Trong đó, lĩnh vực sản xuất điện tử, chip bán dẫn, sản xuất thông minh hiện là một trong các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư và đang được Lãnh đạo chính phủ, Các bộ, ngành rất quan tâm.
Chính phủ đã giao các bộ, ngành, trong đó có Bộ KH-ĐT triển khai nhiều công việc, thể hiện sự sẵn sàng và mong muốn đón nhận làn sóng đầu tư mới trong các ngành này tại Việt Nam.
Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) xây dựng Chiến lược phát triển ngành bán dẫn Việt Nam đến năm 2030. "Tôi được biết, Bộ TT-TT đang hoàn thiện giai đoạn cuối việc xây dựng Chiến lược và sẽ sớm trình Chính phủ thông qua"- ông Đông nói.
Đồng thời, Chính phủ giao cho Bộ KH-ĐT chủ trì, xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn tại Việt Nam đến năm 2030 với mục tiêu rất cụ thể là đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn. Hiện, Bộ KH-ĐT đang khẩn trương triển khai Đề án này và sẽ sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới…
Bên cạnh nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ cho các ngành công nghệ cao, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết giao Chính phủ xây dựng Nghị định về Quỹ hỗ trợ đầu tư, trong đó dự kiến sẽ có những hỗ trợ thích đáng đối với lĩnh vực công nghệ cao, điện tử, bán dẫn. Hiện, Bộ KH-ĐT đang khẩn trương dự thảo Nghị định này và sẽ trình Chính phủ ban hành trong thời sắp tới.
Đặc biệt, các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư tại các địa phương đã được đảm bảo sẵn sàng. Về hạ tầng đất đai, các địa phương đã đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, hình thành các mặt bằng sạch để có thể cung cấp cho các doanh nghiệp điện tử, bán dẫn.
Cùng với đó, hạ tầng giao thông chiến lược kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, sân bay cũng đang được tăng cường. Ngoài ra, các địa phương cũng chuẩn bị sẵn sàng các vấn đề về công nghệ thông tin, điện, nước, hạ tầng xã hội cho công nhân trong ngành bán dẫn.
"Như vậy, các yếu tố như hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, cơ chế chính sách, nghiên cứu phát triển, chiến lược và đặc biệt là nguồn nhân lực đều thể hiện rằng sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng là rất đúng đắn, kịp thời để chúng ta có thể làm chủ và sẵn sàng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị trong ngành điện tử, bán dẫn toàn cầu"- ông Đông nhấn mạnh.
Theo TS Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam, nhiều địa phương thực hiện chiến lược "xây tổ đón đại bàng"… đã và đang tạo ưu thế đưa Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới. Các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang chủ động thay đổi để đón đầu làn sóng chuyển dịch sản xuất thông minh và tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu hiệu quả, tích cực hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm nhằm sản xuất kinh doanh hiệu quả bền vững hơn.
Đối với các lĩnh vực đầu tư vào Việt Nam mà đặc biệt là các dự án đầu tư vào các ngành nghề sản xuất thông minh, hàm lượng tri thức cao, trí tuệ nhân tạo, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ luôn được Chính phủ Việt Nam, hệ thống chính trị đặc biệt quan tâm hỗ trợ; cùng như các doanh nghiệp và các tổ chức của Viêt Nam luôn mong muôn đồng hành cùng triển khai hợp tác kinh tế - thương mại".
Bình luận (0)