Ngày 10-8, tại TP HCM đã diễn ra hội nghị Hội đồng Điều phối Vùng Đông Nam Bộ lần thứ 4 với sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết trong 7 tháng đầu năm, Vùng Đông Nam Bộ có mức tăng trưởng khá nhưng chưa đạt như kỳ vọng với vai trò là vùng kinh tế động lực, dẫn dắt của cả nước.
Cụ thể, tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ đạt 5,58% - thấp hơn mức bình quân chung cả nước, chỉ cao hơn vùng Tây Nguyên (3,86%); thu ngân sách nhà nước hơn 390.000 tỉ đồng - chiếm hơn 38% tổng thu cả nước, đứng thứ 2 sau Vùng Đồng bằng sông Hồng (gần 43%).
Giá trị xuất khẩu đạt 59,2 tỉ USD - chiếm 31% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước, đứng thứ 2 sau Vùng Đồng bằng sông Hồng (gần 35%). Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động lớn nhất trong 6 vùng kinh tế với 58.246 doanh nghiệp, tăng 9,8%.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 5-5, Hội đồng Điều phối vùng đã có phiên họp lần thứ 3 tại tỉnh Tây Ninh. Sau 2 tháng, đến nay hội đồng đã hoàn thành 3 nhiệm vụ:
Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 138/2024 phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc Chơn Thành – Gia Nghĩa.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó bổ sung quy hoạch Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ tại Quyết định 442/2024.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài (giai đoạn 1) tại Quyết định 760/2024.
Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng dự thảo Báo cáo rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù các vùng kinh tế - xã hội, đang gửi lấy ý kiến các bộ, ngành và các địa phương.
Mục tiêu là xác định chính sách phù hợp, hiệu quả để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép mở rộng diện áp dụng thí điểm; xây dựng thể chế liên kết vùng đủ mạnh, bảo đảm hiệu quả điều phối, liên kết phát triển vùng.
Bên cạnh đó thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách về tài chính, ngân sách, đầu tư; thí điểm áp dụng một số mô hình, cơ chế, chính sách mới vượt trội, cạnh tranh quốc tế cao nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của các vùng và cả nước.
Trong đó, ngoài các nhóm chính sách, cơ chế đề xuất áp dụng chung cho các vùng trong cả nước, riêng Vùng Đông Nam Bộ đề xuất một số nhóm chính sách, cơ chế đặc thù riêng biệt. Cụ thể: chính sách về nâng mức dư nợ vay ngân sách địa phương của các địa phương trong Vùng Đông Nam Bộ; chính sách về phát triển khu công nghiệp; chính sách về tăng chỉ tiêu đất khu công nghiệp; chính sách về ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương góp ý để kịp tổng hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
Nhiều dự án liên kết vùng chuyển động
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết qua 2 tháng triển khai, một số dự án đã có chuyển biến rõ rệt.
Đó là Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hơn 90% diện tích mặt đường đã được rải đá dăm, dự kiến thông xe kỹ thuật toàn tuyến dịp 30-4-2025 - sớm hơn 8 tháng so với thời hạn Chính phủ giao và vượt khoảng 4 tháng so với cam kết ban đầu của nhà thầu.
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành tính hết tháng 7-2024 đạt tiến độ trên 80%.
Dự án Xây dựng Nhà ga Hành khách T3 - Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đạt khoảng 60% tiến độ; riêng phần xây thô nhà ga hành khách đã hoàn thành 100%.
Đây là những nỗ lực rất lớn và sự chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố Vùng Đông Nam Bộ.
Bình luận (0)