Tại hội nghị Chính phủ với các địa phương triển khai nhiệm vụ năm 2024 mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết năm nay tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để đạt mục tiêu GDP tăng từ 6% - 6,5%, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức 4% - 4,5% và bảo đảm các cân đối lớn.
Tháo gỡ các điểm nghẽn
Trong bối cảnh thế giới được dự báo có nhiều biến động khó lường, trong nước dù sản xuất - kinh doanh đã dần phục hồi sau đại dịch COVID-19 nhưng vẫn còn các điểm nghẽn, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 có nhiều thách thức đan xen với cơ hội.
TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho rằng xung đột ở một số nước và khu vực tiếp tục ảnh hưởng đến tình hình chung của thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo bà, việc thực hiện cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 cũng có thể đặt ra thách thức không nhỏ nếu Việt Nam không kịp thời, quyết liệt cải cách môi trường đầu tư kinh doanh và bổ sung các cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư phù hợp.
Từ góc độ cơ quan thống kê, với những con số "biết nói" của năm 2023, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhận định lạm phát ở một số nền kinh tế lớn nhiều khả năng vẫn ở mức cao, tăng trưởng thương mại toàn cầu tiếp tục xu hướng thấp, chịu ảnh hưởng từ việc cạnh tranh địa chính trị diễn biến căng thẳng, khó lường. Ở trong nước, các động lực truyền thống còn yếu, động lực mới chưa rõ ràng nên năm 2024, dự báo kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, thách thức.
"Sự suy giảm của nền kinh tế thế giới dồn nén từ lúc đại dịch tới nay nhiều khả năng sẽ tiếp tục tác động đến nền kinh tế Việt Nam ít nhất trong nửa đầu năm 2024, trước khi đón nhận những dấu hiệu tích cực, khả quan hơn" - bà Hương dự báo.
TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, cho rằng trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024 được dự báo cũng sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải. Hơn nữa, do thị trường bất động sản vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, khu vực công nghiệp - xây dựng nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung cũng sẽ bị ảnh hưởng và tăng trưởng thấp trong năm 2024.
Theo các chuyên gia, trước những cơ hội và thách thức đan xen, để đạt được kết quả tăng trưởng kinh tế như mục tiêu đề ra, cần tập trung vào những giải pháp thúc đẩy "cỗ xe tam mã", gồm: tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu. Cần nhận diện rõ năm 2023, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 355,5 tỉ USD - giảm 4,4% so với năm trước, trong khi mục tiêu đề ra là tăng 6%. Tình hình xuất khẩu năm 2024 được dự báo sẽ khởi sắc hơn nhưng cũng còn tiềm ẩn nhiều khó khăn khi thị trường thu hẹp, sức cầu của các thị trường chính còn nhiều yếu tố bất định.
Bộ Công Thương cũng đã lường trước những khó khăn này và đưa ra hàng loạt giải pháp để mở rộng, đa dạng hóa thị trường. Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng với các yêu cầu ngày càng cao của các thị trường nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% năm 2024.
Đẩy mạnh các động lực tăng trưởng
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh năm 2024 là năm bứt phá của chặng đường thực hiện kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Bên cạnh những thách thức đến từ tình hình thế giới và bối cảnh trong nước, nhiều cơ hội, thời cơ mở ra cho Việt Nam để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng 6% - 6,5% trong năm nay.
Trước hết, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng. Song song đó, củng cố các thị trường truyền thống, mở rộng những thị trường mới (UAE, châu Phi, Mỹ Latin); đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đầu tư công tiếp tục là động lực quan trọng, thực hiện vai trò thúc đẩy tăng trưởng. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1603/QĐ-TTg về việc giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 với tổng số tiền 677.349 tỉ đồng (bằng 95% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023).
Để phát huy động lực quan trọng này, PGS-TS Phan Thế Công, Trưởng Khoa Kinh tế - Trường ĐH Thương mại, kiến nghị Chính phủ và các địa phương cần đổi mới công tác lập, phân bổ kế hoạch và thẩm định dự án đầu tư công để mỗi dự án trở thành công trình hiệu quả. Đặc biệt, Chính phủ cần xây dựng chiến lược, kế hoạch và chương trình đầu tư công phù hợp, đáp ứng đúng và trúng nhu cầu đầu tư của từng ngành, lĩnh vực, địa phương.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, kết quả giải ngân vốn đầu tư công tích cực năm 2023 là tiền đề quan trọng để tiếp tục triển khai năm 2024, khi tổng vốn năm nay thấp hơn. Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc trong năm 2024, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng chung của cả nước.
Ông Trần Quốc Phương nhấn mạnh các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, lĩnh vực chip bán dẫn, hydrogen, năng lượng tái tạo… đang được kỳ vọng sẽ tạo nên những cú hích quan trọng cho nền kinh tế năm nay cũng như giai đoạn tiếp theo.
Đối với động lực từ tiêu dùng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhìn nhận cần phát huy nội lực của thị trường trong nước với hơn 100 triệu dân. Về giải pháp, bà đề xuất đẩy mạnh các chính sách kích cầu tiêu dùng; thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa.
Ngoài ra, theo bà Nguyễn Thị Hương, cần triển khai hiệu quả chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đến hết tháng 6-2024 để kích cầu tiêu dùng. Trong trường hợp cần thiết thì có thể đề xuất xem xét kéo dài chính sách này.
Tổ chức lại kênh phân phối truyền thống
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các chính sách nhằm kích thích sức mua, phát triển sản xuất và tiêu thụ hàng Việt Nam ở thị trường nội địa. Cần tổ chức lại hệ thống phân phối một cách khoa học, quan tâm hơn đến hạ tầng của kênh truyền thống. Trong đó, củng cố, nâng cấp, xây mới các chợ dân sinh; thiết lập hệ thống chợ đầu mối vùng thêm chức năng là các sàn giao dịch mua bán nông sản, thực phẩm tại những địa phương có nguồn hàng sản xuất lớn.
Bình luận (0)