xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới

MINH CHIẾN

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới

Ngày 5-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2024. Mở đầu phiên họp, Chính phủ đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

 Sản xuất công nghiệp phục hồi tốt  

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2024 tiếp tục xu hướng tích cực, nhiều lĩnh vực đạt kết quả cao. Kinh tế tiếp tục duy trì đà phát triển tích cực ở cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Trong đó, điểm sáng là sản xuất công nghiệp phục hồi tốt, tháng 7 tăng 11,2% so với cùng kỳ; tính chung 7 tháng tăng 8,5%. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,48% so với tháng 6; bình quân 7 tháng tăng 4,12%.

Xuất nhập khẩu tiếp tục xu hướng tăng mạnh, tính chung 7 tháng tăng 17,1%, trong đó xuất khẩu tăng 15,7%, nhập khẩu tăng 18,5%. Cán cân thương mại tháng 7 xuất siêu 2,12 tỉ USD, tính chung 7 tháng xuất siêu 14,08 tỉ USD. Lĩnh vực du lịch phục hồi mạnh, khi khách quốc tế 7 tháng đạt gần 10 triệu lượt, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2019 trước khi có đại dịch COVID-19. "Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam. Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 lên 6,3%; HSBC nâng lên 6,5%, ADB nâng lên 6%" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu.

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã thống nhất đánh giá đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng. Giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đạt 34,68% kế hoạch. Bên cạnh đó, thu hút vốn FDI đạt 18 tỉ USD, tăng 10,9%; vốn FDI thực hiện đạt 12,55 tỉ USD, tăng 8,4%, cao nhất trong 5 năm qua.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thủ tướng chỉ rõ tình hình kinh tế - xã hội còn những khó khăn, thách thức. Trong đó, sức ép lạm phát còn cao, nhất là do giá dầu thô, lương thực biến động mạnh; tình hình thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản thế giới còn nhiều rủi ro; dự báo tăng trưởng, thương mại, đầu tư toàn cầu dù có xu hướng phục hồi nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, tình hình sản xuất - kinh doanh trong một số lĩnh vực còn khó khăn. Tiếp cận vốn tín dụng chưa thuận lợi. Thị trường bất động sản bước đầu ổn định nhưng vướng mắc còn chậm được giải quyết. Việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội rất chậm; còn 26.500 tỉ đồng vốn đầu tư công chưa phân bổ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 vào ngày 5-8Ảnh: NHẬT BẮC

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 vào ngày 5-8Ảnh: NHẬT BẮC

Tiếp tục giảm lãi suất cho vay

Nhấn mạnh thời gian tới, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, Thủ tướng nêu rõ mục tiêu tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đồng thời, thúc đẩy tăng trưởng mạnh hơn, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư cao hơn. Về chính sách tiền tệ, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tập trung giữ ổn định tỉ giá, thị trường ngoại hối. Song song đó, tăng tiếp cận vốn tín dụng, tập trung cho lĩnh vực ưu tiên, phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15%; tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Về chính sách tài khóa, Bộ Tài chính được yêu cầu triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới. Về đầu tư, cần thúc đẩy đầu tư tư nhân; tăng cường hợp tác công tư và thu hút vốn FDI có chọn lọc. Về xuất khẩu, củng cố các thị trường lớn, truyền thống; mở rộng các thị trường mới (UAE, Halal, Mỹ Latin). Về tiêu dùng, đẩy mạnh phát triển thị trường, kích cầu tiêu dùng trong nước, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", thương mại điện tử. Thủ tướng cho rằng cần có các cơ chế, chính sách thúc đẩy mạnh mẽ những động lực tăng trưởng mới, trong đó có chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, chip bán dẫn, AI…

Gấp rút nhiều đầu việc

Tại phiên họp, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý về phát triển kinh tế xanh, nghiên cứu các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chip bán dẫn, AI. Về kiểm soát lạm phát, đây là nhiệm vụ quan trọng được lãnh đạo Chính phủ lưu ý với các bộ, ngành. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị kỹ, đánh giá tác động, có lộ trình điều chỉnh giá phù hợp các dịch vụ do nhà nước quản lý. Kiên quyết không để thiếu, bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu, đáp ứng yêu cầu sản xuất và tiêu dùng trong mọi tình huống.

Nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm còn nhiều thách thức, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác này. Các bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, các địa phương được giao nhiệm vụ theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, bão lũ, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành tích cực triển khai các nhiệm vụ của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội phục vụ Đại hội XIV của Đảng, chuẩn bị chu đáo phục vụ đại hội Đảng bộ các cấp, tiến đến Đại hội lần thứ XIV của Đảng; chuẩn bị tốt các đề án báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các tài liệu phục vụ Hội nghị Trung ương, kỳ họp thứ 8 Quốc hội XV bảo đảm tiến độ, chất lượng. 

Sẽ hạ lãi vay gói tín dụng 120.000 tỉ đồng

Tại cuộc họp báo Chính phủ diễn ra chiều cùng ngày, trả lời báo chí về tiến độ triển khai gói tín dụng 120.000 tỉ đồng phát triển nhà ở xã hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng cho biết qua tổng hợp, đến nay có 78 dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi.

Các ngân hàng đã giải ngân với số tiền 1.344 tỉ đồng, gồm 1.295 tỉ đồng cho chủ đầu tư tại 12 dự án; 49 tỉ đồng cho người mua nhà tại 5 dự án. Theo ông Dũng, từ một số bất cập trong quá trình triển khai, NHNN đã hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ điều chỉnh nội dung gói tín dụng 120.000 tỉ đồng theo hướng giảm lãi suất cho vay đối với người mua nhà từ 3% - 5%. Bộ Xây dựng đã có văn bản thống nhất với đề xuất nêu trên của NHNN. Ông Dũng cho biết trong phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng 5-8, Thủ tướng đã đồng thuận đề xuất của NHNN điều chỉnh nội dung gói tín dụng này để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, hiệu quả

Chiều 5-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp với lãnh đạo NHNN, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số bộ, ngành, cơ quan về chính sách tiền tệ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết nhìn chung, thời cơ, thuận lợi ít hơn khó khăn, thách thức. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các đại biểu đánh giá lại các chính sách để xem những gì làm được, chưa làm được; chỉ ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, tiếp tục có chính sách phù hợp, hiệu quả đối với các ngành, lĩnh vực cần ưu tiên phát triển. Trong đó, rà soát chính sách tiền tệ, đặc biệt là chủ trương thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, sát tình hình; kiểm điểm tình hình thực hiện một số quy định của pháp luật, đề ra một số cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp; xem xét tình hình tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay.

Theo Thủ tướng, từ nay đến cuối năm tập trung hơn cho tăng trưởng, do đó phải thực hiện cung tiền ra, song việc cung tiền ra phải bảo đảm dòng tiền hướng vào các động lực tăng trưởng truyền thống, động lực tăng trưởng mới, kiểm soát được nợ xấu đang có chiều hướng gia tăng. Số tiền trong dân gửi trong ngân hàng đạt 15-16 triệu tỉ đồng, Thủ tướng yêu cầu cần có giải pháp để nguồn vốn này phục vụ đắc lực cho sản xuất - kinh doanh, chứ không phải chỉ nằm trong ngân hàng.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh chúng ta điều hành chính sách tiền tệ tốt, nhất là vấn đề quản lý thị trường vàng nhưng về lâu dài, phải tính toán bài bản, có giải pháp chống đô la hóa, vàng hóa một cách căn cơ, không để người dân tích trữ đô la, tích trữ vàng mà phải khuyến khích đầu tư, mở rộng sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, từ đó có thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

H.Nghi


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo