Nền tảng này được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI).
"Canh tác carbon chủ động ứng dụng AI và bản sao số để phát triển nông nghiệp bền vững tại tỉnh Thanh Hóa" là 1 trong 3 dự án nông nghiệp tiên tiến được Chính phủ Úc cùng Bộ Khoa học và Công nghệ tài trợ nhằm thúc đẩy thực hành nông nghiệp bền vững tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Một năm trước, các nhà khoa học của ĐH Bách khoa Hà Nội đã cùng nhóm nghiên cứu của ĐH Griffith bàn thảo, xây dựng các ý tưởng của đề tài nghiên cứu. Những chuyến thực địa, làm việc với các đồng nghiệp ngành môi trường đã giúp PGS Nguyễn Phi Lê, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về AI - Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông thuộc ĐH Bách khoa Hà Nội, hiểu được sâu sắc hơn về bài toán môi trường.
Trong khi đó, PGS Văn Diệu Anh và PGS Lý Bích Thủy, cùng là giảng viên Trường Hóa và Khoa học sự sống thuộc ĐH Bách khoa Hà Nội, đã cùng các sinh viên tìm thấy được hướng giải quyết trọn vẹn bài toán môi trường. "Khi kết hợp ứng dụng AI, các thông số, quy luật và các mối quan hệ sẽ giải quyết bài toán môi trường một cách đa chiều" - PGS Văn Diệu Anh nhìn nhận.
Các nhà khoa học đã xây dựng được một hệ thống giúp việc thu thập dữ liệu, tính toán chỉ số phát thải và hấp thụ khí gây ra hiệu ứng nhà kính dễ dàng hơn. Các nhà khoa học còn đưa ra những hướng dẫn thực hành giảm phát thải khí nhà kính, mô phỏng ảnh hưởng của các phương thức canh tác nông nghiệp đến phát thải và hấp thụ các khí gây ra hiệu ứng nhà kính.
Nhóm nghiên cứu cũng đã xây dựng một trang web giúp quản lý dữ liệu về hấp thụ và phát thải các khí gây hiệu ứng nhà kính từ hoạt động nông nghiệp. Kế hoạch tiếp theo là thu thập dữ liệu một số module và ứng dụng AI để mô phỏng sự hấp thụ, phát thải khí nhà kính, từ đó đánh giá hiệu quả của các chính sách.
Bình luận (0)