Năm 2025, Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP hai con số với nhiều động lực, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục là một trong những điểm sáng.
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong 11 tháng của năm 2024, tổng vốn đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 31,4 tỉ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái (sau khi đã tăng kỷ lục hai con số trong năm 2023).
Trong nhiệm kỳ mới của Tổng thống Donald Trump, giới chuyên môn dự đoán "cuộc chiến thương mại" giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhiều tập đoàn lớn rục rịch chuyển hướng đầu tư hoặc dời dây chuyền sản xuất sang Việt Nam. Thực tế, không phải đến khi ông Trump lên Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ mới mà xu hướng đa dạng hóa, tránh lệ thuộc quá lớn vào Trung Quốc thời gian qua cũng đã, đang thúc đẩy dòng vốn FDI dịch chuyển sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam. Làn sóng này được dự đoán sẽ tiếp diễn trong năm 2025.
Đối với Việt Nam, một diễn biến đáng chú ý là dòng vốn FDI đã có sự chọn lọc, hướng tới dòng vốn chất lượng cao với những tập đoàn điện, điện tử như Samsung, LG, Apple, Foxconn hay gần nhất là NVIDIA… thay vì trong các ngành thâm dụng lao động, sử dụng công nghệ thấp như giai đoạn trước. Dòng vốn FDI chất lượng cao từ Mỹ, châu Âu chảy vào còn là dòng vốn xanh, từ đó giúp kinh tế Việt Nam phát triển bền vững hơn so với trước đây.
Với mục tiêu tăng trưởng GDP ở 2 con số đầy thách thức của năm 2025, dòng vốn FDI sẽ đóng vai trò quan trọng. Xuất khẩu là một trong ba trụ cột chính của tăng trưởng kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp (DN) FDI chiếm tới 72% tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 400 tỉ USD cả nước.
Nếu tận dụng được nguồn lực này sẽ tạo ra động lực tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong thời gian tới. Câu chuyện hiện tại là triển khai những giải pháp nào để dòng vốn FDI lan tỏa nhiều hơn tới khu vực DN trong nước, tạo thêm giá trị gia tăng và thúc đẩy khu vực DN nội địa tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng. Hiện tỉ lệ nội địa hóa sản phẩm của Việt Nam rất thấp, như ngành công nghiệp ô tô chỉ khoảng 10%, trong khi Thái Lan, Indonesia khoảng 80%.
Lúc này, trong chính sách thu hút vốn FDI cần thêm chính sách thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển giao công nghệ giữa DN FDI và DN trong nước. Như Trung Quốc là bắt buộc phải là liên doanh - nghĩa là phải có sự chuyển giao công nghệ giữa FDI với DN nội địa. Cũng cần thêm chính sách hỗ trợ DN nội địa lớn mạnh, bởi phần lớn DN Việt là vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Muốn hòa vào chuỗi cung ứng toàn cầu cần tăng nội lực bằng chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, hiệu quả về cơ chế, tài chính.
Cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng không ít. Dòng vốn FDI chảy mạnh vào một phần bởi những chính sách tiềm tàng của ông Trump trong nhiệm kỳ mới, đòi hỏi Việt Nam cần cơ chế linh hoạt, phù hợp để tránh tình trạng bị mượn xuất xứ hàng hóa từ Trung Quốc hoặc bị gắn mác xuất xứ để xuất khẩu. Muốn vậy, cần tăng cường đối thoại, kết nối với Mỹ và đáp ứng các yêu cầu, nhất là giảm tình trạng xuất siêu từ Việt Nam sang Mỹ.
Thái Phương ghi
Bình luận (0)