Con số này thấp so với chỉ tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 15%, được NHNN phân bổ cho các NH ngay từ đầu năm. Trong đó, cho vay tiêu dùng cũng là một phần của câu chuyện thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, cùng với cho vay các lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Riêng với tín dụng tiêu dùng, có điểm khác hơn khi có một giai đoạn tăng trưởng tín dụng tiêu dùng chủ yếu đến từ các công ty tài chính khi ồ ạt cho vay. Có giai đoạn, tín dụng tiêu dùng còn là "gà đẻ trứng vàng" mang về lợi nhuận hàng ngàn tỉ đồng. Hiện tại, bức tranh trên thị trường tài chính tiêu dùng đã có nhiều sự thay đổi, không chỉ dư nợ tín dụng sụt giảm mạnh mà còn những cuộc đổi chủ của các công ty tài chính qua thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) với ông chủ mới đến từ nước ngoài.
Hiện có 16 công ty tài chính được NHNN cấp giấy phép hoạt động và từ nhiều năm qua, cơ quan quản lý không cấp mới thêm giấy phép nào. Lúc này, M&A công ty tài chính là một hướng đi của nhà đầu tư ngoại trong việc gia nhập thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam. Các công ty này cần thời gian để tái cấu trúc bộ máy, cơ cấu quản trị trước khi đẩy mạnh cho vay. Chưa kể, thị trường cho vay tiêu dùng cũng phải đối mặt với nhu cầu sụt giảm khi kinh tế khó khăn, thu nhập của khách hàng giảm sút khiến nhu cầu vay chưa phục hồi...
Trong khi đó, tài chính tiêu dùng đóng vai trò rất quan trọng trong câu chuyện đẩy lùi tín dụng đen, vì đây là kênh cho vay vốn chính thống với lãi suất thấp hơn nhiều so với tín dụng đen. Ở các nước phát triển như Mỹ, tỉ lệ tín dụng tiêu dùng chiếm tỉ trọng lớn, khoảng 60% - 70% tổng dư nợ cho vay. Tại Việt Nam, dư địa phân khúc này vẫn còn rất lớn và giàu tiềm năng.
Để đẩy mạnh cho vay tiêu dùng như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 14/CT-TTg về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, đòi hỏi sự vào cuộc không chỉ của các công ty tài chính mà cả NH thương mại. Các NH cần tăng cường phát triển sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cá nhân từ phát hành thẻ tín dụng, trong đó có thẻ tín dụng nội địa; sản phẩm thấu chi trên tài khoản của khách hàng; sản phẩm cho vay tín chấp…
Ở góc độ người tiêu dùng, đòi hỏi các giải pháp về chính sách tài khóa của nhà nước để cải thiện và tăng thu nhập cho người dân, từ đó thúc đẩy động lực mua sắm, kích cầu tiêu dùng. Đơn cử như thuế thu nhập cá nhân, nếu có chính sách giảm bậc tính thuế, nâng mức giảm trừ gia cảnh… sẽ giảm mức đóng thuế của người dân, từ đó có thêm thu nhập để mua sắm, chi tiêu. Có sự liên kết giữa NH, công ty tài chính với các điểm bán hàng để có chính sách ưu đãi, hỗ trợ khách hàng nhiều hơn. Đặc biệt, có chính sách tuyên truyền về tín dụng đen để người dân tiếp cận kênh vay vốn chính thức với lãi suất hợp lý, thay vì tìm tới tín dụng đen.
Linh Anh (ghi)
Bình luận (0)