Đợt thuế quan mới mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt đối với hàng hóa nhập khẩu từ hàng chục nền kinh tế có hiệu lực từ ngày 9-4. Đợt "thuế đối ứng" này cao hơn đáng kể so với mức cơ bản 10% được áp dụng đối với hầu hết quốc gia, vùng lãnh thổ hôm 5-4.
Tổng cộng, hàng nhập khẩu từ 86 nền kinh tế phải chịu mức thuế cao hơn, dao động từ 11% đến 84%. Riêng hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đối mặt mức thuế lên đến 104%. Theo đài CNBC, con số khổng lồ này là kết quả của mức thuế 20% đã áp dụng trước đó, cộng thêm 34% thuế bổ sung và mức tăng đột ngột 50% mà ông Donald Trump ký ban hành hôm 8-4. Đáp lại, Trung Quốc cho biết thuế đối với hàng hóa Mỹ sẽ tăng từ 34% lên 84% kể từ ngày 10-4.
Tổng thống Donald Trump cho rằng thuế quan là phản ứng trước những rào cản đối với hàng hóa Mỹ. Bước đi này cũng cần thiết để giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại của Mỹ. Ông Donald Trump còn cáo buộc không ít quốc gia phá giá đồng tiền để giành lợi thế thương mại. Chưa hết, nhà lãnh đạo hôm 8-4 cho biết sắp công bố các mức thuế "lớn" đối với dược phẩm nhập khẩu - một trong số ít mặt hàng hiện đang được miễn thuế.
Chính sách thuế quan của ông Donald Trump đã làm rung chuyển trật tự thương mại toàn cầu tồn tại nhiều thập kỷ qua, dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế và khiến các thị trường chứng khoán trên thế giới chao đảo. Bên cạnh đó, một số nhà kinh tế cảnh báo rằng người tiêu dùng Mỹ sẽ phải gánh chịu phần lớn hậu quả từ cuộc chiến thương mại, đối mặt với giá cả tăng vọt của nhiều mặt hàng.

Một nhà giao dịch phản ứng trước màn hình hiển thị chỉ số chứng khoán KOSPI và tỉ giá hối đoái giữa đồng USD và đồng won Hàn Quốc tại một ngân hàng ở thủ đô Seoul - Hàn Quốc hôm 9-4. Ảnh: AP
Trong bối cảnh như thế, đội ngũ của ông Donald Trump lại đưa ra những quan điểm mâu thuẫn về mục tiêu cuối cùng và liệu các mức thuế này có phải là quyết định không thể thay đổi hay không. Ông Peter Navarro, Cố vấn cấp cao về thương mại và sản xuất của ông Donald Trump, cho rằng các mức thuế là không thể đàm phán vì Mỹ đang phải đối mặt với "tình trạng khẩn cấp quốc gia" do thâm hụt thương mại khổng lồ gây ra.
Trái lại, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết thêm các cuộc đàm phán mới chỉ bắt đầu và dự báo về "một tháng 4, tháng 5 và có thể cả tháng 6 bận rộn". Theo AP, ngay cả phát biểu từ ông Donald Trump cũng không rõ ràng hơn khi ông cho biết "có thể có các mức thuế lâu dài, và cũng có thể có các cuộc đàm phán".
Một số quan chức cấp cao Nhà Trắng cho biết Washington đã nhận được cuộc gọi từ nhiều quốc gia mong muốn đạt được thỏa thuận và sẽ ưu tiên những nước nào chưa trả đũa bằng thuế quan nhằm vào Mỹ. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt nói thêm ông Donald Trump đã yêu cầu có những thỏa thuận thương mại "được thiết kế riêng" cho từng đối tác. Tuy nhiên, theo tờ The Straits Times, bà Leavitt từ chối cho biết liệu ông Donald Trump có đặt ra thời hạn cho các thỏa thuận thương mại này hay không.
Tác động đầy đủ từ đòn thuế hôm 9-4 có thể chưa được cảm nhận ngay vì mọi hàng hóa đang trên đường vận chuyển trước nửa đêm 9-4 (giờ Mỹ) sẽ được miễn thuế mới, miễn là chúng đến Mỹ trước ngày 27-5. Dù vậy, nhiều nước tiếp tục có các bước đi nhằm giảm thiểu tác động từ các biện pháp thuế quan mới của Mỹ.
Hôm 9-4, Ngân hàng Trung ương các nước New Zealand và Ấn Độ đã cắt giảm lãi suất. Cùng ngày, chính phủ Hàn Quốc công bố gói hỗ trợ khẩn cấp trị giá 2 tỉ USD dành cho các hãng sản xuất ô tô, đồng thời cảnh báo rằng mức thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu vào Mỹ có thể giáng đòn mạnh vào ngành công nghiệp này.
Gánh nặng đè lên thị trường
Nỗi lo về tác động từ các mức thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump và những biện pháp trả đũa từ các đối tác thương mại của Mỹ tiếp tục đè nặng lên thị trường hôm 9-4, ngày các mức thuế đối ứng mới của Mỹ bắt đầu có hiệu lực.
Thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục giảm điểm còn thị trường chứng khoán châu Âu mở cửa trong sắc đỏ. Trong khi đó, giá dầu thô giảm trong ngày thứ 5 liên tiếp, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2-2021. Giá dầu thô Brent và WTI lần lượt dao động quanh mức 60,7 USD/thùng và 57,5 USD/thùng. Bà Dilin Wu, nhà phân tích thị trường tại Công ty Môi giới ngoại hối Pepperstone Australia (Úc), cho rằng các mức thuế có thể làm giảm đáng kể xuất khẩu và sản lượng công nghiệp, hai động lực tăng trưởng chính của Trung Quốc và điều này có lẽ sẽ dẫn đến nhu cầu dầu giảm. Trước viễn cảnh ngày càng xấu đi, Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) hạ dự báo giá dầu thô Brent xuống còn 40 USD/ thùng vào cuối năm 2025.
Ở chiều ngược lại, giá vàng tăng lên quanh ngưỡng 3.044 USD/ounce hôm 9-4 trong bối cảnh hầu hết nhà giao dịch đổ xô tìm đến vàng như kênh trú ẩn tài sản an toàn. Ông Tim Waterer, nhà phân tích trưởng về thị trường của Công ty Môi giới tài chính trực tuyến KCM Trade (Úc), nhận định do những bất ổn về tăng trưởng toàn cầu và lạm phát, giá vàng vẫn đang trên đà hướng đến các mức cao kỷ lục mới.
Xuân Mai
Bình luận (0)