Theo Reuters, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson đã bàn giao tài liệu cuối cùng cho chính phủ Mỹ tại Washington hôm 7-3, bước cuối cùng trong quy trình gia nhập NATO, nhằm đảm bảo sự ủng hộ của tất cả các thành viên tham gia liên minh quân sự.
Sự kiện này xảy ra 2 năm sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, buộc Thụy Điển phải suy nghĩ lại chính sách an ninh quốc gia của mình và kết luận rằng sự ủng hộ dành cho NATO cũng là sự đảm bảo an toàn tốt nhất cho quốc gia Scandinavia này.
"Những điều tốt đẹp sẽ đến với những ai biết chờ đợi" - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói khi nhận được tài liệu gia nhập của Thụy Điển từ ông Kristersson.
Đối với NATO, việc gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan - 2 quốc gia có chung đường biên giới dài 1.340 km với Nga - là sự bổ sung quan trọng nhất trong nhiều thập kỷ.
Đây cũng là một đòn giáng mạnh vào Nga, vốn luôn tìm cách ngăn chặn bất kỳ sự củng cố nào nữa của liên minh.
Thụy Điển sẽ được hưởng lợi từ quy tắc phòng thủ chung của liên minh, theo đó một cuộc tấn công vào một thành viên được coi là tấn công vào tất cả.
"Thụy Điển ngày nay là một quốc gia an toàn hơn chúng ta ngày hôm qua. Chúng tôi có các đồng minh. Chúng tôi có sự ủng hộ" - ông Kristersson nói trong bài phát biểu từ Washington sau khi chính thức gia nhập NATO.
Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định việc bổ sung Thụy Điển khiến NATO "đoàn kết, quyết tâm và năng động hơn bao giờ hết". Ông cũng nói thêm rằng sự gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan đã giúp liên minh được bổ sung 2 quân đội có năng lực cao.
Thụy Điển đã bổ sung các tàu ngầm tiên tiến và một phi đội máy bay chiến đấu Gripen sản xuất trong nước khá lớn cho lực lượng NATO, đồng thời là mắt xích quan trọng giữa Đại Tây Dương và biển Baltic.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố: "Việc Thụy Điển gia nhập giúp NATO mạnh hơn, Thụy Điển an toàn hơn và toàn bộ liên minh an toàn hơn".
Trong khi đó, Nga đe dọa sẽ thực hiện "các biện pháp đáp trả chính trị và quân sự - kỹ thuật" chưa xác định để đáp trả động thái của Thụy Điển.
Trong khi Stockholm ngày càng xích lại gần NATO hơn trong hai thập kỷ qua, tư cách thành viên đánh dấu một sự đoạn tuyệt rõ ràng với quá khứ, khi trong hơn 200 năm, Thụy Điển tránh liên minh quân sự và áp dụng lập trường trung lập trong các giai đoạn xung đột.
Sau Thế chiến II, nước này đã tạo dựng được danh tiếng quốc tế với tư cách là nước đi đầu về nhân quyền, và kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, Thụy Điển liên tục cắt giảm chi tiêu quân sự.
Gần đây nhất là vào năm 2021, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của nước này đã từ chối tư cách thành viên NATO.
Trong khi Phần Lan gia nhập NATO vào năm ngoái, Thụy Điển vẫn phải chờ đợi vì Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary đã trì hoãn phê chuẩn việc gia nhập của Thụy Điển.
Thổ Nhĩ Kỳ đã chấp thuận đơn đăng ký của Thụy Điển vào tháng 1.
Hungary đã trì hoãn quyết định cho đến khi ôngKristersson có chuyến thăm thiện chí tới Budapest vào ngày 23-2, nơi 2 nước đã đồng ý một thỏa thuận về máy bay chiến đấu.
Bình luận (0)