xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc thi viết về chủ quyền: Tiền đồn bảo vệ chủ quyền

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN NHẬT THÀNH - giáo viên Trường THPT Vĩnh Định (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị)

Từ những năm chiến tranh ác liệt đến những ngày tháng hòa bình và phát triển, đảo Cồn Cỏ - tiền đồn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia - luôn là một biểu tượng của lòng yêu nước

Nằm giữa biển khơi của miền Trung Việt Nam, đảo Cồn Cỏ không chỉ mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ và hùng vĩ mà còn là một trong những điểm mốc quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền lãnh hải của đất nước. Trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Cồn Cổ có vai trò rất đặc biệt.

Mắt thần án ngữ biển Đông

Đảo Cồn Cỏ nằm cách cảng Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị khoảng 30 km, có diện tích khoảng 2,3 km² và còn có tên gọi khác là Hòn Cỏ, Con Hổ hay Hòn Mệ (theo cách gọi của ngư dân Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị).

Do được hình thành bởi hoạt động kiến tạo từ sự phun trào của núi lửa nên đảo Cồn Cỏ có giá trị về địa chất và sinh thái, cảnh quan như một bảo tàng thiên nhiên với các thềm đá bazan độc đáo dọc bờ biển, các bãi tắm nhỏ hoang sơ được tạo thành từ vụn san hô, sò, cát... Dù nhỏ bé về diện tích nhưng đảo có một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng - nằm ngay trên trục đường biển quốc tế. Chính vị trí này đã giúp đảo trở thành một trong những mốc cơ sở quan trọng trong việc xác lập chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.

Một góc đảo Cồn Cỏ

Một góc đảo Cồn Cỏ

Thực tế cho thấy Cồn Cỏ có vị trí đặc biệt, là điểm phân chia vịnh Bắc Bộ - cửa ngõ phía Nam của vịnh Bắc Bộ - là tiền đồn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Cồn Cỏ không chỉ mang giá trị về chủ quyền lãnh hải mà còn là một biểu tượng anh hùng trong chiến tranh. Vào thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, đảo Cồn Cỏ là một trong những điểm nóng. Với vị trí chiến lược, đảo đã trở thành mục tiêu oanh tạc của máy bay và pháo hạm Mỹ. Quân và dân trên đảo đã kiên cường bám trụ, giữ vững đảo dù phải chịu những cuộc tấn công dữ dội từ quân địch.

Những cuộc chiến đấu ác liệt trên đảo Cồn Cỏ đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lịch sử dân tộc, làm nên trang sử hào hùng về sự kiên cường và lòng yêu nước. Chính sự bất khuất này đã biến Cồn Cỏ thành một biểu tượng của tinh thần chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.

Những người lính đảo đã viết nên câu chuyện về sự hy sinh, tinh thần dũng cảm và sự đoàn kết trong cuộc chiến chống ngoại xâm. Từ vị trí địa lý đó, trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Cồn Cỏ có vị trí quan trọng về quân sự, là vọng gác tiền tiêu của Tổ quốc, là con mắt thần án ngữ biển Đông, là điểm chốt phía Nam vịnh Bắc bộ suốt 50 năm qua.

Biểu tượng của lòng yêu nước

Một điểm rất đáng chú ý về Cồn Cỏ đó là nơi đây được chọn vẽ đường cơ sở của lãnh hải Việt Nam. Theo đó, đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của lục địa Việt Nam là đường thẳng gãy khúc nối từ điểm A0 (nằm trên đường thẳng nối đảo Thổ Chu của Việt Nam đến đảo Polo Wai của Campuchia) đến điểm A11 (đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị). Việc vẽ đường cơ sở tại Cồn Cỏ không chỉ là một hành động mang tính chất pháp lý, phù hợp với Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 mà còn là một chiến lược bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trong bối cảnh khu vực và thế giới đang có nhiều biến động.

Đoàn viên thanh niên tỉnh Quảng Trị tham gia chương trình “Tuổi trẻ học đường Quảng Trị hướng về Cồn Cỏ thân yêu”

Đoàn viên thanh niên tỉnh Quảng Trị tham gia chương trình “Tuổi trẻ học đường Quảng Trị hướng về Cồn Cỏ thân yêu”

Với việc xác định đường cơ sở từ đảo Cồn Cỏ, Việt Nam có thể mở rộng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ra xa bờ biển, giúp bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên biển - từ nguồn cá đến dầu khí và các tài nguyên khác. Đồng thời, đường cơ sở từ Cồn Cỏ cũng tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông. Trong bối cảnh tranh chấp biển, đảo ngày càng phức tạp, việc xác định rõ ràng đường cơ sở giúp Việt Nam có những cơ sở pháp lý quốc tế để đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình. Điều này không chỉ góp phần bảo vệ lãnh thổ quốc gia mà còn giúp Việt Nam củng cố vị thế của mình trong các cuộc đàm phán quốc tế liên quan đến vấn đề biển Đông.

Đóng vai trò quan trọng như vậy nên những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Cồn Cỏ luôn nỗ lực, quyết tâm xây dựng, phát triển đảo tiền tiêu cửa ngõ phía Nam vịnh Bắc Bộ này. Từ một hòn đảo bị tàn phá bởi chiến tranh, ngày nay, Cồn Cỏ đã được đầu tư phát triển, trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn của Quảng Trị.

Ông Võ Viết Cường - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ - cho biết bên cạnh phát triển du lịch, Cồn Cỏ đang từng bước phát triển hạ tầng, đời sống người dân trên đảo dần được cải thiện. Những công trình dân sinh như trường học, trạm y tế và hệ thống điện, nước sạch đã được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sinh sống và phát triển kinh tế. "Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đã được phê duyệt, huyện tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng các công trình trung hạn đã được phê duyệt, phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị của tỉnh tích cực quảng bá, kêu gọi, thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tâm huyết, có tiềm lực được tiếp cận và nghiên cứu, khảo sát đến huyện đảo đầu tư đồng bộ hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là du lịch đi đôi với bảo đảm quốc phòng, an ninh..." - ông Cường khẳng định.

Từ những năm chiến tranh ác liệt đến những ngày tháng hòa bình và phát triển, đảo Cồn Cỏ vẫn luôn là một biểu tượng của lòng yêu nước, của tinh thần kiên cường và bất khuất. Kỳ vọng trong tương lai, với sự quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa, Cồn Cỏ sẽ tiếp tục vững vàng giữa biển khơi, là điểm tựa quan trọng trong chiến lược bảo vệ và phát triển đất nước. 

Mời bạn đọc tham gia 2 cuộc thi

Tại lễ trao giải cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" lần thứ 4 và cuộc thi ảnh "Thiêng liêng cờ Tổ quốc" lần thứ 3, năm 2023-2024, nhân lễ kỷ niệm 5 năm thực hiện chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc", diễn ra ngày 2-7, Báo Người Lao Động phát động cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" lần thứ 5 và cuộc thi ảnh "Thiêng liêng cờ Tổ quốc" lần thứ 4, năm 2024-2025. Báo Người Lao Động mời bạn đọc là công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam và nước ngoài, người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam tham gia viết bài, gửi ảnh dự thi.

Thời hạn phát động, nhận bài và ảnh dự thi, tính từ ngày 2-7-2024 đến 31-5-2025. Bạn đọc quét mã QR hoặc truy cập https://nld.com.vn/phat-dong-cuoc-thi-viet-chu-quyen-quoc-gia-bat-kha-xam-pham-va-cuoc-thi-anh-thieng-lieng-co-to-quoc-196240701163723125.htm để xem chi tiết về điều kiện, thể lệ của 2 cuộc thi.

Cuộc thi viết về chủ quyền: Tiền đồn bảo vệ chủ quyền- Ảnh 4.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo