Với bất kỳ ai, được ra Trường Sa, được tận mắt nhìn thấy cờ Tổ quốc tung bay nơi đầu sóng là cả niềm tự hào. Chúng tôi may mắn có được điều đó khi tháp tùng theo đoàn công tác của Vùng 4 Hải quân ra thăm, chúc Tết cán bộ chiến sĩ, nhân dân đang thực hiện nhiệm vụ, sinh sống tại quần đảo Trường Sa vào dịp Tết Giáp Thìn 2024.
Sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc
Trong chuyến hải trình, tàu 571 đưa đoàn công tác đến đảo Cô Lin. Sóng lớn, vỗ mạnh thân tàu lúc neo đậu trước đảo tầm 3 hải lý.
Chờ đến lúc thủy triều lên để vượt qua bãi san hô, ca nô, xuồng nhỏ được khẩn trương hạ xuống để đưa người và hàng hóa cập đảo. Những chiếc xuồng nhỏ bé được ca nô móc dây kéo, luồn sóng lách gió, có lúc sóng lớn chồm qua xuồng, vô cùng mong manh, nguy hiểm.
Vừa đặt chân lên đảo Cô Lin, ấn tượng đầu tiên và có lẽ in sâu vào tâm khảm mỗi người đó hình ảnh lá cờ Tổ quốc tung bay hiên ngang dưới bầu trời xanh thẳm. Chúng tôi xúc động đến lặng người khi tâm trí hiển hiện trang sử bi hùng - sự kiện Gạc Ma năm 1988, 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển sâu để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Trang sử ấy mãi mãi hiển hiện hình ảnh những người lính siết chặt tay cầm cờ Tổ quốc giữa làn pháo đạn, làm nên "Vòng tròn bất tử" Gạc Ma. Thiếu úy Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, bị bắn ngã, vẫn giữ chặt Quốc kỳ.
Thượng tá Dương Chí Nguyện - Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân - nói rằng câu nói của Anh hùng liệt sĩ, thiếu úy Trần Văn Phương lúc ấy: "Không được lùi bước. Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng", là lời dặn dò cho bao lớp thể hệ hôm nay. "Đối với người lính hải quân, nhận nhiệm vụ ra quần đảo Trường Sa, là nhận nhiệm vụ chiến đấu. Lên tàu rồi, coi như đi chiến đấu, không thể quay lại. Chỉ quay về khi nhiệm vụ đã hoàn thành hoặc đã hy sinh" - thượng tá Dương Chí Nguyện khẳng khái.
Theo thượng tá Nguyện, trong những chuyến công tác đến quần đảo Trường Sa, anh đã nhiều lần chứng kiến cán bộ, chiến sĩ vừa lên tàu rời cảng thì nhận tin người thân qua đời. Nhưng họ vẫn phải kiên cường, nén lại nỗi đau mất mát để sát cánh cùng đồng đội, chắc tay súng giữ gìn biển, đảo.
Thượng tá Nguyện còn nói rằng ở Trường Sa, Quốc kỳ thể hiện chủ quyền Tổ quốc thiêng liêng, là "kim chỉ nam", động lực, mệnh lệnh từ trái tim, để mỗi người lính tiến về phía trước, sẵn sàng hy sinh, chiến đấu bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc.
Và trong lễ chào cờ đầu năm tại các đảo Trường Sa, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Cô Lin…, có lẽ hình ảnh đẹp đẽ nhất, gây xúc động nhất là hình ảnh người lính hải quân trang nghiêm quỳ xuống, kính cẩn hôn lên Quân kỳ (Quốc kỳ thêu hai chữ Quyết Thắng). Liền sau đó là giọng chiến sĩ dõng dạc đọc 10 lời thề danh dự của quân nhân, cùng tiếng "xin thề" đồng thanh vang lên, át cả tiếng sóng. Đó là lời cam kết sắt đá, là động lực để cán bộ, chiến sĩ vượt lên mọi gian nan, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Lời cam kết thiêng liêng ấy cũng đã được gửi cùng lá cờ Tổ quốc thắm đỏ, nước mắt yêu thương, tự hào cùng hàng trăm con hạc giấy, biểu tượng hòa bình mà cán bộ, chiến sĩ, phóng viên trên tàu 571 thức suốt đêm để gấp, thả vào sóng biển Trường Sa, trong lễ tưởng niệm 64 Anh hùng liệt sĩ Gạc Ma, trước vùng biển Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma.
Sắt son lời thề danh dự
Trên đảo Đá Đông, dưới cái nắng gay gắt, giữa những cơn gió muối rin rít, người lính gương mặt sạm đen, mồ hôi chảy thành dòng, vẫn bồng súng nghiêm trang đứng gác. Xúc động trước hình ảnh đó, nhà báo Phí Hoàng Lê, báo điện tử VOV, cởi chiếc khăn rằn đang quàng để tặng. Người lính ấy - thiếu tá Lê Gia Dũng bảo: "Bây giờ anh đang thực hiện nhiệm vụ, không thể một giây, một phút buông súng xuống. Nhờ em đặt vào kho, hết ca trực anh sẽ nhận"!
Nhà báo Phí Hoàng Lê ngỏ ý được chụp một bức hình. Thiếu tá Lê Gia Dũng trầm giọng, nói rằng anh sợ bức hình đăng lên báo, ở nơi quê nhà, vợ con anh nhìn thấy lại quặn lòng thương nhớ.
Với cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa, họ phải gác lại nỗi niềm riêng để toàn tâm toàn ý làm tròn phận sự cao cả. Các anh sẵn sàng hy sinh hạnh phúc riêng tư, vững vàng cầm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Thượng tá Nguyễn Văn Thọ, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 - Vùng 4 Hải quân, khẳng định mỗi cán bộ, chiến sĩ luôn đề cao tinh thần huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, thực hiện trách nhiệm thiêng liêng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Rất nhiều cung bậc cảm xúc trong hải trình 18 ngày, mang tình cảm của đất liền đến với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân đang thực hiện nhiệm vụ, sinh sống trên quần đảo Trường Sa.
Và tự trái tim mình, chúng tôi biết, cảm xúc trong những buổi chào cờ ở Trường Sa chẳng bao giờ phai nhạt. Bởi "linh hồn" của buổi chào cờ là tình cảm sắt son với biển, đảo, lòng biết ơn và tình yêu Tổ quốc của những người lính Hải quân. Thượng tá Dương Chí Nguyện chia sẻ: "Truyền thống hào hùng, sự hy sinh, đóng góp to lớn của những thế hệ đi trước, bao giờ cũng được nhắn nhủ trong những buổi chào cờ thiêng liêng trên các đảo. Để thế hệ người lính hôm nay bồi đắp tình yêu, trách nhiệm, hun đúc ý chí sắt đá, luôn vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió".
Điều đó chúng tôi được "kiểm chứng" khi gặp chiến sĩ Châu Văn Hiển trên đảo Cô Lin. Anh được xuất ngũ trở về quê hương, sau 2 năm thực hiện nghĩa vụ quân sự. Lẽ ra được nghỉ để có thời gian chuẩn bị tư trang nhưng anh thiết tha được bồng súng trang nghiêm đứng gác bên chân sóng, đến phút chót. Xong ca trực, cũng là lúc xuồng chuẩn bị rời đảo, người chiến sĩ Trường Sa xúc động rơi nước mắt, bàn giao mũ, súng, ống nhòm lại cho đồng đội với cái ôm thật chặt và lời dặn: "Ở lại thực hiện thật tốt nhiệm vụ đấy nhé!".
Trong thời khắc tiễn đoàn công tác trở về đất liền, thượng úy Trần Quốc Cường, Chính trị viên đảo Cô Lin, trang trọng ký tên, đóng con dấu của đảo lên lá cờ Tổ quốc đã bạc màu sóng gió, để chiến sĩ xuất ngũ mang theo về quê hương.
Và mỗi ngày qua đi, những lá cờ Tổ quốc mới lại gắn lên trên khắp các điểm đảo ở Trường Sa. Dưới bóng cờ là hình ảnh người lính chắc tay sung bảo vệ chủ quyền, sắt son lời thề danh dự: Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam!
Mời bạn đọc tham gia 2 cuộc thi
Tại lễ trao giải cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" lần thứ 4 và cuộc thi ảnh "Thiêng liêng cờ Tổ quốc" lần thứ 3, năm 2023-2024, nhân lễ kỷ niệm 5 năm thực hiện chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc", diễn ra ngày 2-7, Báo Người Lao Động phát động cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" lần thứ 5 và cuộc thi ảnh "Thiêng liêng cờ Tổ quốc" lần thứ 4, năm 2024-2025.
Báo Người Lao Động mời bạn đọc là công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam và nước ngoài, người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam tham gia viết bài, gửi ảnh dự thi. Thời hạn phát động, nhận bài và ảnh dự thi, tính từ ngày 2-7-2024 đến 31-5-2025. Bạn đọc quét mã QR hoặc truy cập https://nld.com.vn/phat-dong-cuoc-thi-viet-chu-quyen-quoc-gia-bat-kha-xam-pham-va-cuoc-thi-anh-thieng-lieng-co-to-quoc-196240701163723125.htm để xem chi tiết về điều kiện, thể lệ của 2 cuộc thi.
Bình luận (0)