Tại chương trình giao lưu trực tuyến "Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Những điểm mới có lợi cho người tham gia" do Báo Tuổi Trẻ tổ chức mới đây, người lao động gửi thắc mắc đến các chuyên gia về việc vì sao tiền lương đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ tính lương hưu của lao động khu vực doanh nghiệp lại là toàn bộ quá trình đóng, chứ không phải tính 5, 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
Thông tin về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết một trong những nguyên tắc của bảo hiểm xã hội là mức hưởng được tính trên cơ sở mức đóng, và thời gian đóng.
Theo ông Cường, việc quy định mức lương hưu được tính trên cơ sở tỉ lệ hưởng lương hưu, và mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ quá trình đóng là phù hợp với nguyên tắc nêu trên.
"Không phải người lao động nào, tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của những năm cuối cao hơn những năm trước đó, đặc biệt là người lao động làm việc trong khu vực ngoài Nhà nước. Do vậy, không phải cứ tính theo số năm cuối là được lợi hơn" - ông Cường cho hay.
Trước đây, đối với người lao động thuộc khu vực nhà nước, khi tính mức lương hưu thì tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của một số năm cuối trước khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành đã có quy định lộ trình, tiến tới tính toàn bộ quá trình đóng bảo hiểm xã hội như đối với khu vực ngoài nhà nước.
Ông Cường cho rằng Luật Bảo hiểm xã hội mới vẫn kế thừa quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, về việc điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu.
Theo đó, đối với người lao động thuộc khu vực ngoài nhà nước, tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ mức bình quân tiền lương hằng tháng đóng bảo hiểm xã hội, sẽ được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của từng thời kỳ, theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, theo quy định của luật mới, tiền lương làm căn cứ đóng của người lao động, vẫn được điều chỉnh theo chỉ số CPI khi tính mức lương hưu.
Bình luận (0)