Trong suất diễn cuối cùng của rạp Hưng Đạo với vở Ngao sò ốc hến cách đây không lâu, bên cạnh những giọt nước mắt của các nghệ sĩ khi nói lời chia tay với ngôi nhà đã kết thúc vai trò lịch sử của mình sau 60 năm làm điểm hẹn của nghệ sĩ và khán giả mộ điệu cải lương, còn có nước mắt của những nhân viên hậu đài, kỹ thuật, âm thanh ở rạp hát này.
“Kiệt âm thanh”
Giới sân khấu cải lương tại TPHCM không ai không biết đến “Kiệt âm thanh”. Đối với lĩnh vực này, anh là một vị “vua” đầy quyền lực. Anh có tên thật là Võ Anh Kiệt (sinh năm 1966), từng theo học xiếc tại Trường Đại học Thể thao. Năm 1981, anh được cử sang Nga học diễn xiếc nhưng rồi khi về nước lâm vào cảnh thất nghiệp nên phải theo cha làm nghề đóng giày. Nhờ một người quen là nhân viên âm thanh của Đoàn Nghệ thuật Quân khu 7, Kiệt đã tiếp cận với nghề điều chỉnh âm thanh để rồi được giới thiệu vào làm tại Công viên Văn hóa Đầm Sen, phục vụ các chương trình ca múa nhạc tại sân khấu ốc đảo.
Anh Kiệt và anh Nhựt (bìa trái)- hai chuyên gia âm thanh cải lương đang trao đổi công việc theo kịch bản của một vở diễn tại rạp Thủ Đô
Tình cờ, gặp nghệ sĩ Trường Quang (Tư Dẫm), anh được giới thiệu về làm việc tại rạp Hưng Đạo. Được các chú, các anh – những người cựu trào làm âm thanh cho sân khấu cải lương ở đây - giúp đỡ, anh Kiệt đã từng bước nâng cao tay nghề. Anh được Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cử ra Hà Nội tham gia lớp tập huấn cán bộ kỹ thuật 6 tháng, sau đó tham gia lớp tập huấn do chuyên viên người Úc sang hướng dẫn 3 tháng tại Trung tâm Văn hóa TPHCM. Đến nay, ai đụng đến âm thanh chuyên dụng cho biểu diễn nghệ thuật cải lương là cần đến bàn tay điều chỉnh của Võ Anh Kiệt.
NSƯT Hoa Hạ nhận xét: “Kiệt làm việc rất nghiêm túc, có kiến thức về kỹ thuật nên những ứng biến của sân khấu cải lương trong việc sử dụng âm thanh, Kiệt làm rất tốt. Sân khấu cải lương ngày nay không phải dùng micro bằng cách kéo dây như ngày trước, công nghệ càng cao nên đòi hỏi người điều chỉnh âm thanh cần có sự điều phối thích ứng để mang lại hiệu quả cho vở diễn. Hai chương trình cải lương Kim Vân Kiều, Chiếc áo thiên nga diễn ra tại nhà thi đấu thể thao, nếu không có Kiệt thì khó mà thành công”.
Không chỉ dừng lại ở đó, Võ Anh Kiệt đã góp phần đáng kể vào việc mang lại hiệu quả cho 4 mùa hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức tại TPHCM, Cần Thơ, rồi Liên hoan Sân khấu cải lương ĐBSCL, Liên hoan Sân khấu Mùa thu… Các đoàn nghệ thuật từ ngoài Bắc vào Nam biểu diễn như: Nhà hát Cải lương Trung ương, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuổi Trẻ, Đoàn Kịch nói Nam Định… đều cần đến ông “vua” âm thanh của rạp Hưng Đạo.
“Vua” chọn nhạc
Nhắc đến những sân khấu kịch xã hội hóa tại TPHCM, không ai trong nghề không biết đến hai anh em ruột Kiến Quốc và Kiến Hùng. Cả hai sống bằng nghề chọn nhạc và thành danh trên sân khấu kịch thị trường với cái nghề “không đụng hàng” này. Kiến Quốc có thâm niên gắn bó với sân khấu hơn 20 năm. Yêu nhạc cổ điển và hòa tấu nên nhà anh có hàng trăm băng đĩa nhạc, kể cả đĩa tiếng động, âm thanh kỹ xảo dành cho sân khấu. Anh có thể thức hàng đêm để nghe đi nghe lại những đoạn hòa tấu, những bản giao hưởng mà mình sưu tập được để tìm ra những đoạn nhạc đúng với tâm lý nhân vật kịch.
NSƯT Hồng Vân nhận xét: “Hầu hết vở diễn của Sân khấu Kịch Phú Nhuận đều do anh Kiến Quốc chọn nhạc. Thời gian đầu, tôi phải trao đổi với anh về những ý định sử dụng tiếng động và âm nhạc khi chuyển cảnh, nhạc diễn tả tâm lý, nhạc mô tả nội tâm nhân vật nhưng sau đó, anh yêu cầu được đọc kịch bản rồi tự tìm nhạc. Những đoạn nhạc do anh chọn thật sự hỗ trợ cho diễn xuất của diễn viên và làm xoay chuyển cả tư duy của đạo diễn, có khi diễn biến tình huống kịch được sắp xếp theo phần âm nhạc mà anh chọn. Đọc nhiều kịch bản và xem nhiều nên anh biết sở đoản, sở trường của từng diễn viên, nhờ vậy, anh chọn nhạc rất chắc”.
NSƯT Bảo Quốc khẳng định: “Nghề này như vừa chơi vừa làm nhưng không phải ai cũng làm được. Một số đạo diễn trẻ hiện nay làm luôn công tác chọn nhạc, nhiều khi chủ quan nên chọn ẩu, không phù hợp”.
Kiếm 60.000 đồng không dễ
Với mức lương 60.000 đồng cho một đêm biểu diễn như hiện nay, đời sống của “vua” âm thanh cải lương quá bấp bênh. Từ khi rạp Hưng Đạo ngưng hoạt động để chuẩn bị khởi công xây dựng Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Cải lương, chỗ làm mới của anh là ở rạp Thủ Đô cũng vắng lặng vì suất diễn ít dần đi, thu nhập của anh do vậy càng teo tóp khiến đời sống gia đình càng khó khăn. Hiện anh sống với mẹ già và các cháu. Nói như NSND Huỳnh Nga: “Sân khấu đóng cửa tức là những người như Kiệt không có cơm ăn”.
Cách đây một năm, mẹ Kiệt đau nặng, Sân khấu vàng của NSƯT Minh Vương, Lệ Thủy đã quy tụ anh em nghệ sĩ giúp đỡ anh. Tuy nhiên, đến nay, đời sống của anh cơ cực, có bữa cơm còn không đủ ăn, lấy đâu tiền lo thang thuốc cho mẹ. Mỗi khi nhắc đến gia cảnh, anh thường khóc.
Sở hữu danh sách hàng trăm vở diễn do mình chọn nhạc trên 3 sân khấu: Kịch Phú Nhuận, Kịch Sài Gòn và Kịch Truyền hình (HTV), Kiến Quốc và Kiến Hùng đã là hai ông “vua” chọn nhạc được cả giới công nhận. Nhưng giờ đây, Kiến Hùng đã chuyển nghề, sang làm công nhân mài kềm cho Công ty Kềm Nghĩa. Mức lương của công việc mới ổn định, có thể nuôi sống bản thân và gia đình nhưng mỗi khi nhắc đến nghề chọn nhạc, anh đều nhớ da diết không khí làm nghệ thuật. Riêng Kiến Quốc cho biết hiện nay, các sàn kịch ít dàn dựng vở mới nên anh chủ yếu gắn với màn ảnh HTV, mỗi tháng chọn nhạc cho 2 chương trình Chuyện bốn mùa và Tâm hồn cao thượng.
Kiến Quốc cho biết nghề của anh sớm muộn gì cũng sẽ bị đào thải khi các sân khấu không còn chuộng cách thức chọn nhạc mà chuyển sang đặt nhạc sĩ sáng tác nhưng anh em họ vẫn tự hào là đã sống rất tử tế với nghề.
Nỗi niềm chua cay
Võ Anh Kiệt giỏi nghề làm âm thanh cho vở diễn cải lương là điều mà giới nghệ sĩ sân khấu công nhận nhưng ít ai biết đằng sau sự tôn sùng đó là những nỗi niềm chua cay mà anh riêng mang. Cải lương thời hát nhép lên ngôi, mỗi thứ trục trặc do MD, CD không đạt chất lượng, nghệ sĩ và nhà tổ chức đều đổ trách nhiệm cho người điều chỉnh âm thanh. Chưa kể đến những vở diễn, chương trình mà nghệ sĩ tham gia đòi hỏi lúc “hát nhép”, lúc “hát thật”, Kiệt phải cắt ráp rất nhanh những đoạn hát thiếu hơi, chồng hơi của nghệ sĩ bằng tất cả những xảo thuật có thể cho vở diễn, chương trình thành công. Vậy mà, anh thường nhận thiệt thòi về mình. Anh Kiệt tâm sự: “Tôi cảm thấy buồn khi cải lương thời nay đã khó có suất diễn nhưng một số nghệ sĩ cứ lợi dụng vào kỹ thuật để hát mà không chịu phô diễn bằng giọng thật của mình nên khi gặp sự cố kỹ thuật, đĩa bị nhảy thì họ đổ hết lên đầu người chỉnh âm thanh, đó là một bất công”.
|
Kỳ tới: Sống chết theo sân khấu
Bình luận (0)