Hai chị em Kim Phượng, Bạch Nga gắn với nghề phục trang đã 40 năm dù xuất thân từ diễn viên múa và diễn cải lương tuồng cổ của sân khấu gia tộc Huỳnh Long. Thế nhưng, khi sân khấu lâm vào cảnh “tắt đèn”, những người làm nghề này như hai chị cũng âm thầm chịu đựng bao gian nan, cơ cực.
“Phi xiêm y bất thành tuồng cổ”
Điều dễ nhận ra sự khác biệt giữa các bộ môn nghệ thuật sân khấu khác với cải lương chính là phục trang. Thiếu những bộ cánh thướt tha, uyển chuyển, trâm cài, lược giắt, kim sa lộng lẫy thì vở diễn, chương trình không thu hút khán giả.
Giới sân khấu có câu “phi xiêm y bất thành tuồng cổ”, nghề phục trang sân khấu, từ thời còn gọi là cải lương Hồ Quảng và sau này gọi là cải lương tuồng cổ, nhờ vậy mà được trọng vọng.
Không ngừng sáng tạo, họ đã góp công rất lớn trong việc hình thành những kiểu phục trang gọn nhẹ nhưng không kém phần lộng lẫy, thay cho sự rườm rà, nặng nề mà trước đó các lò may trang phục sân khấu chưa định hình.
Nhà nghèo lại đông con cháu, nghề may trang phục của nghệ sĩ Kim Phượng đã giúp các thành viên trong gia tộc có công ăn việc làm. Không có vốn, chị cầm cố ngôi nhà để có tiền xoay xở.
Nghệ sĩ Kim Phượng (bìa trái) và Bạch Nga chuẩn bị phục trang cho NSƯT Ngọc Giàu. Ảnh: Ngọc Trâm
Thành tựu mà giới sân khấu cải lương cũng như các bộ phim truyền hình lịch sử ghi nhận ở nghệ sĩ Kim Phượng và Bạch Nga là việc sáng tạo những bộ trang phục cho các nhân vật qua các triều đại trong các vở: Tô Hiến Thành xử án, Câu thơ yên ngựa, Bức ngôn đồ Đại Việt, Bích Vân Cung kỳ án, Xử án Phi Giao, Anh hùng bán than, Rừng thần, Lý Công Uẩn, Trần Bình Trọng, Giang san mỹ nhân…
Và trong bộ phim Tây Sơn hào kiệt của Hãng phim Lý Huỳnh, gia đình chị Kim Phượng đã chịu trách nhiệm phần phục trang cho hàng trăm diễn viên đóng các vai từ quần chúng cho đến các danh tướng lẫy lừng trong lịch sử triều đại Tây Sơn - Nguyễn Huệ. Chưa hết, các live show lớn, nhỏ của nghệ sĩ cải lương đều do hai chị đảm nhiệm phần phục trang.
Hai tác phẩm thể nghiệm nổi tiếng của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang: Chiếc áo thiên nga và Kim Vân Kiều hoặc mới đây là Đả chiến phá sông Ngân… đều có sự đóng góp của hai chị về phục trang.
“Áo gấm đi đêm”
Không khá hơn gia cảnh nghệ sĩ Trường Quang, gia đình hai chị Kim Phượng, Bạch Nga hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn khi sân khấu cải lương bị thu hẹp và liên tục tối đèn.
Một dạo, sàn diễn đóng màn nhưng thị trường video cải lương còn khấm khá, hai chị tạo công ăn việc làm cho hơn 10 thợ may là con cháu và người hàng xóm. Nhưng rồi khi thị trường này teo tóp lại, 5 chiếc máy may mua góp của hai chị phải trùm mền nằm im lìm trong góc nhà; hàng ngàn mét vải, hạt kim sa, mắt gà, kim tuyến, chất liệu keo… lỡ mua chất đống nằm chờ.
Ba nhân công gắn bó với gia đình chị Kim Phượng dù khó nhọc đến mấy vẫn bám nghề, đó là: Hồng Sáp, Chín Nô, Thị Mười… Họ đều sống kham khổ vì chỉ biết trông cậy vào nghề này.
Mâm cơm của gia đình nghệ sĩ Kim Phượng càng đông người hơn khi các đoàn hát đóng cửa. Mỗi ngày, chị vẫn phải lo tiền gạo, tiền chợ để nuôi nhân công và gia đình dù các suất hát cứ vơi đi, có khi 3 tháng vẫn chưa đụng đến kho trang phục.
Nỗi buồn về nghề của các chị không chỉ là tìm không ra mối cung cấp hàng mà còn vì sự cạnh tranh của nhiều lò may mặc khác đã ăn cắp kiểu dáng, giành mối làm ăn với giá thấp hơn khiến nghề của hai chị càng thêm lao đao.
Vừa qua, chị Bạch Nga trong lúc chuyển vải để tránh trời mưa dột ướt trong căn nhà nhỏ đã té ngã gãy tay, phải băng bột suốt hơn một tháng. Gia cảnh vốn nghèo túng lại càng khó nhọc hơn.
Từ khi nghề may phục trang sân khấu gặp khó khăn, chị chuyển sang nghề thiết kế tóc. Hầu hết các bộ tóc của các cô đào nổi tiếng khi sắm các vai diễn trên sân khấu đều nhờ đến bàn tay khéo léo của nghệ sĩ Bạch Nga. Nhưng với tai nạn vừa qua, chị không thể tiếp tục làm nghề.
Sau ngày chồng (anh Tám Anh) qua đời, một mình chị Kim Phượng nuôi các con ăn học. Không nề hà cực nhọc, chị gần như có mặt trên khắp nẻo đường, nơi các đoàn hát đến.
Vì ngôi nhà chật hẹp, hai chị thuê một góc của sân đình Cầu Muối để cất phục trang. Hàng ngàn bộ trang phục từ nhân vật sang đến hèn, từ vua quan cho đến quần chúng; từ chiếc long bào trị giá cả trăm triệu đồng đến những bộ giáp gắn đá quý được tính bằng vàng lượng đều xuất xưởng từ kho hàng này.
Thế nhưng khi mùa mưa đến, vì mái đình dột nát, các chị phải di chuyển những bộ trang phục quý vào nhà cất giữ. Những “gia tài quý” đó không thể để bị hư, dù nhà không có chỗ cho các con ngủ.
NSƯT Ngọc Giàu cho rằng: “Nghiệp hát như con tằm, còn nghiệp may phục trang là dệt những sợi tơ óng ánh. Nghề này làm đẹp cho nghệ sĩ đồng thời cũng làm đẹp cho bản thân với tâm đức cao quý”.
Không khá hơn gia đình Kim Phượng, Bạch Nga, các nghệ sĩ sống bằng nghề phục trang và làm tóc khác, như: Công Minh, Bảo Ly, Ngọc Khanh, Kim Duyên, Cẩm Hương… đã bám lấy nghề trong nghèo khó bằng tình yêu và tinh thần lao động say mê. Họ góp phần làm cho vở diễn, chương trình thành công.
Không vì tiền
Lao tâm khổ tứ với nghề cốt mong sao tác phẩm nghệ thuật được hoàn chỉnh, nghệ sĩ Kim Phượng tâm sự: “Chúng tôi rất sợ nghe những lời phê bình của giới chuyên môn và báo chí về phục trang, nên chịu khó nghiên cứu, tìm tòi nhằm tạo ra những sản phẩm thể hiện nét chuẩn trong phục trang cho từng vai diễn. Nguyên tắc của chúng tôi là thiết kế cho đúng trước khi nói đến đẹp, do vậy nên không có chuyện làm theo ý thích nghệ sĩ nếu bộ trang phục đó không đúng thời điểm, niên đại theo sử liệu”.
Có lần chị Kim Phượng chở hàng đi giao cho một đoàn phim, đạo diễn chê phục trang chị thiết kế không “bắt mắt”, chị tranh luận đến cùng và quyết định “thà mang về nhà cất vào kho chứ không sửa lại để mang tiếng là dốt sử. Trang phục quan quân thời Lý mà đòi gắn kim sa, mắt gà cho bắt sáng lấp lánh thì tôi thua”. Nghệ sĩ Bạch Nga nói: “Tôi rất sợ những diễn viên trẻ ra sân khấu cứ như búp bê dát đủ thứ kim tuyến trên người. Cái đẹp của phục trang đâu phải là sự lòe loẹt”. Và trên hết, hai chị biết từ chối những lời yêu cầu không hợp lý để có được những bộ cánh đắt giá nhưng phản cảm từ phía một số ngôi sao sân khấu. Cái nghèo vì thế cứ bám theo hai chị. |
Kỳ tới: Những ông “vua” mất việc
Bình luận (0)