Những con số "rất buồn"
Tại buổi gặp mặt cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phó sở, ban ngành, trưởng phòng các sở, ban ngành, đoàn thể của tỉnh Lâm Đồng mới đây, ông Nguyễn Thái Học, quyền Bí thư Tỉnh ủy, cho biết tỉnh đang đối mặt với khó khăn, thách thức rất lớn.
Trước đây, trong các tỉnh Tây Nguyên thì Lâm Đồng luôn đứng số 1 và top đầu cả nước về chỉ số GRDP (Tổng sản phẩm trên địa bàn) nhưng 6 tháng đầu năm 2024, đứng cuối trong 5 tỉnh Tây Nguyên và đứng thứ 58/63 tỉnh thành; chỉ số PCI (Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) của Lâm Đồng năm 2022 đứng thứ 17 nhưng đến 2023 thì đứng thứ 56/63 tỉnh - thành.
"Nhiều người nói rằng là rơi tự do chứ không còn tụt nữa. Từ vị trí 17 xuống 56 là vấn đề mà không thể không tự hỏi tại sao chúng ta như thế này" - ông Học đánh giá.
Theo báo cáo chỉ số PCI năm 2023 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố ngày 9-5-2024, chỉ số PCI năm 2023 tỉnh Lâm Đồng xếp hạng 56/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, giảm 39 bậc so với năm 2022.
Nhiều chỉ số thành phần của PCI giảm điểm, thứ hạng so với năm 2022 như: tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, tính năng động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, đào tạo lao động…
UBND tỉnh giao các huyện, thành phố nghiên cứu Báo cáo chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2023 của tỉnh Lâm Đồng, làm rõ những nguyên nhân khách quan và chủ quan làm giảm PCI năm 2023 so với 2022; trách nhiệm cụ thể của từng sở, ngành, địa phương trong việc để giảm chỉ số này, đồng thời đề ra các giải pháp khắc phục có hiệu quả, đảm bảo cải thiện các chỉ số thành phần trong năm 2024.
Nhiều doanh nghiệp phải trả "chi phí không chính thức"
Về nguyên nhân, đối với ngành Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), báo cáo của Sở TN-MT tỉnh Lâm Đồng cho thấy có 2 chỉ số quan trọng năm 2023 bị giảm điểm là chỉ số tiếp cận đất đai - giảm 1,41 điểm xuống còn 6,43 điểm và chỉ số chi phí không chính thức (CPKCT) - giảm 1,11 điểm xuống còn 6,52 điểm.
Cụ thể chỉ số tiếp cận đất đai: có 53% tỉ lệ doanh nghiệp (DN) cho biết thời hạn giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với thời hạn được niêm yết hoặc văn bản quy định; 48% tỉ lệ DN phản ánh cán bộ nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính đất đai không hướng dẫn chi tiết, đầy đủ; 38% tỉ lệ DN phản ánh thủ tục xác định giá trị quyền sử dụng đất mất rất nhiều thời gian; 71% tỉ lệ DN phải trì hoãn/hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính đất đai.
Về chỉ số CPKCT: có 37% tỉ lệ DN có chi trả CPKCT; 39% tỉ lệ DN cho biết công việc đạt được kết quả mong đợi sau khi đã trả CPKCT; 70% tỉ lệ DN phản ánh hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN là phổ biến; 20% tỉ lệ DN chi trả CPKCT cho cán bộ thanh, kiểm tra; 55% tỉ lệ DN trả CPKCT cho cán bộ thanh, kiểm tra môi trường; 60% tỉ lệ DN chi trả CPKCT để đẩy nhanh việc thực hiện thủ tục đất đai (%); 34% chi trả " hoa hồng" là cần thiết để có cơ hội thắng thầu.
Còn theo Sở GTVT, trong 10 chỉ số thành phần của PCI thì năm 2023 tỉnh Lâm Đồng chỉ có 1 chỉ số tăng điểm là chi phí gia nhập thị trường thấp; 5 chỉ số chưa được cải thiện (tính minh bạch, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động); 4 chỉ số giảm điểm.
Còn đối với Sở Công Thương, tỉ lệ DN biết đến các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội của các FTA (Hiệp định thương mại tự do) đạt 14%, giảm 5%; tỉ lệ đánh giá việc thực hiện thủ tục để hưởng hỗ trợ từ chương trình hỗ trợ DN tận dụng cơ hội từ các FTA là thuận lợi đạt 36%, giảm 31%.
Ngoài nguyên nhân chủ quan trong việc đội ngũ cán bộ tham mưu chưa được đào tạo kỹ năng chuyên sâu để tiếp cận nguồn thông tin từ các FTA, Sở Công Thương cũng nhận định nhiều DN ở Lâm Đồng do năng lực tài chính hạn chế, chủ yếu chỉ tập trung cho khâu sản xuất; các thủ tục pháp lý của DN còn chưa được hoàn thiện nên không đủ điều kiện để tiếp cận nguồn hỗ trợ từ cơ quan nhà nước.
Tại buổi gặp mặt nêu trên, quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng nhận định để cải thiện tình hình thì có nhiều cách giải quyết nhưng phải bắt đầu từ công tác cán bộ.
"Vấn đề quan trọng nhất hiện nay của tỉnh là kiện toàn và củng cố đội ngũ cán bộ. Phải chọn được đúng người và giao đúng việc, kịp thời thay thế cán bộ trì trệ không chịu làm bằng cán bộ năng nổ, trách nhiệm. Khuyến khích và bảo vệ được cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm" - ông Học khẳng định.
Trong nhiều giải pháp nâng cao chỉ số PCI mà các sở ngành nêu ra liên quan đến ngành mình, một số đơn vị cũng đề xuất nâng cao kiến thức, trình độ của cán bộ để nâng cao hiệu quả giải quyết các kiến nghị đề xuất của DN; nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong xử lý, ngăn chặn tình trạng gây phiền hà cho người dân và DN, đặc biệt là giải quyết thủ tục hành chính.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra DN trên địa bàn tỉnh. Động viên, khen thưởng các đơn vị, cá nhân thực hiện tốt công tác này, đồng thời xử lý nghiêm người chưa làm hết trách nhiệm, vi phạm trong công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp theo đúng quy định.
Bình luận (0)