Để triển khai thành công, cần xây dựng thể chế. Làm sao có các cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp với quốc tế - với những chuẩn mực và thông lệ quốc tế, với những bước đi cụ thể.
Chính phủ đã giao cho TP HCM phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù này và có lộ trình. Không phải ngay tức khắc sẽ có một trung tâm tài chính quốc tế như mong muốn mà cần nghiên cứu mô hình, với những bước đi chậm, chắc.
Dự kiến, Chính phủ sẽ công bố Ban Chỉ đạo triển khai xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Trong đó, việc xây dựng cơ chế, chính sách là một trong những việc đầu tiên của trung tâm này; tiếp theo là hạ tầng gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm. Hạ tầng không chỉ là cơ sở vật chất, các tòa nhà, trụ sở, quan trọng là hạ tầng số thông tin truyền thông, hạ tầng kết nối với các khu vực trên toàn cầu vì là giao dịch quốc tế. Nguồn nhân lực cũng cần được xây dựng cho tổ chức bộ máy điều hành, cho cơ quan giám sát, cơ quan tài phán quốc tế.
Trong bối cảnh chuyển đổi số, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và dòng vốn công nghệ cao đang chảy mạnh vào, thành phố có thể nghiên cứu tìm lối đi riêng, tạo sự khác biệt. Như khuyến khích các tổ chức tài chính công nghệ (fintech), các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, công nghệ; nghiên cứu phát triển thị trường vốn bao gồm chứng khoán quốc tế, thị trường hàng hóa phái sinh, tiền số…
Quan trọng không kém là việc tuyên truyền, thông tin về chủ trương, chính sách đặc thù, vượt trội, hấp dẫn để thu hút những "đại bàng" là các tổ chức tài chính quốc tế đến và làm việc, để những "đại bàng" này chọn điểm đến là thành phố chứ không phải nơi nào khác. Muốn vậy, cần cơ chế, chính sách của Quốc hội ban hành phải vượt trội để kích hoạt hiệu quả. TP HCM có thể dựa vào Nghị quyết 98/2023/QH15 xây dựng tiếp cơ chế, chính sách để thu hút nhà đầu tư chiến lược. Tất cả những yếu tố này cần được triển khai trong một hệ sinh thái.
Cùng với đó, một hệ sinh thái khác là các ngành kinh tế sẽ đi theo mô hình trung tâm tài chính quốc tế thành phố cần được thúc đẩy từ các ngành dịch vụ, bảo hiểm, ngân hàng, tài chính, dịch vụ logistics, thương mại... Thành phố có thể lưu ý thêm những động lực tăng trưởng mới, dịch vụ mới cần được đầu tư phát triển như dịch vụ y tế - trung tâm chăm sóc sức khỏe cho cả khu vực Đông Nam Á.
Khi đó, trung tâm tài chính quốc tế kỳ vọng sẽ là động lực mới để thành phố tăng tốc, phát triển, bứt phá; là cơ hội để thu hút nhà đầu tư quốc tế, tăng nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực trọng điểm.
Thái Phương ghi
Bình luận (0)