Kinh tế thành phố lần đầu tiên rơi vào một đợt suy thoái nặng nề với mức tăng trưởng cả năm âm 6,78%, trong khi cả nước vẫn dương 2,58%.
Năm 2022, TP HCM sẽ làm gì để tiếp tục hồi phục, phát triển kinh tế, vì cả nước và cùng cả nước?
Hiện có nhiều hình dung khác nhau về trung tâm tài chính quốc tế ở TP HCM - Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Với Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2025 do thành phố ban hành, chúng ta có 2 chặng đường phải đi. Trong đó, năm 2022, thành phố đặt mục tiêu "lấy lại những gì đã mất" thông qua chỉ tiêu tăng trưởng đạt 6,5% nhằm đưa GRDP trở về bằng năm 2020. Giai đoạn 2023-2025, thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng trên 8,5%/năm.
Lộ trình này được tiếp sức bằng Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ về các gói chính sách tài khóa, tiền tệ. Để tận dụng tốt chính sách hỗ trợ từ phía trung ương, thành phố cần hình thành những tổ công tác, tổ chỉ đạo để kết nối, tiếp cận nhanh chóng, minh bạch, hiệu quả.
Quan trọng hơn "lấy lại những gì đã mất" là "phải giữ những gì đang có" - đó là sức khỏe, tính mạng của người dân. Nhận thức rõ đây là "lỗ thủng" dẫn đến sự suy giảm kinh tế, ngay từ đầu, chiến lược y tế đã được thành phố đặt vào vị trí ưu tiên quan trọng nhất thông qua tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng và y tế điều trị. Với việc đưa 297 bác sĩ trẻ về các tuyến cơ sở, thành phố thể hiện quyết tâm giữ được thành quả kiểm soát dịch bệnh để tự tin mở cửa một cách an toàn, đồng bộ.
Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện chủ đề của năm 2022: "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp". Trong đó, chú trọng đầu tư công vào một trục quan trọng là hạ tầng giao thông, chẳng hạn sớm hoàn thiện đường Vành đai 2, triển khai chủ trương đầu tư Vành đai 3 và các tuyến đường nối vào các sân bay, bến cảng...
Mọi mục tiêu chỉ có thể thực hiện được trên cơ sở quyết tâm của thành phố cùng sự đồng hành, hỗ trợ của trung ương trong việc tiếp tục hoàn thiện thể chế. TP HCM đang nỗ lực tổng kết Nghị quyết 54 để từ đó kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết thay thế sau khi nghị quyết này hết hiệu lực vào năm 2022. Đồng thời, cần sớm có một nghị quyết cho TP Thủ Đức - một đô thị sáng tạo, tương tác cao với nhiều động lực phát triển và chiếm tới 30% GRDP của thành phố. Trong đó, hạt nhân là xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế tại khu đô thị Thủ Thiêm. Khi làm được, thành phố sẽ có động lực kiềng 3 chân với 3 lĩnh vực tài chính - thương mại - dịch vụ với khả năng thu hút dòng vốn không chỉ vào khu vực tài chính mà còn lan tỏa tới cả thương mại, dịch vụ.
Vấn đề quan trọng là làm sao có cơ chế, chính sách thu hút "đại bàng", làm cho "đại bàng" tin tưởng đầu tư vào thành phố thay vì các thị trường khác. Để làm được, chúng ta phải có cơ chế đột phá, ưu đãi mạnh mẽ và hình thành được các hoạt động dịch vụ kèm theo hoạt động tài chính...
(Phương Nhung ghi)
Bình luận (0)