Chiều 17-1, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) TP HCM tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo chương trình hành động của Thành ủy và kế hoạch của UBND TP HCM thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học - công nghệ (KH-CN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (gọi tắt Nghị quyết 57).
Tại hội thảo, ông Trần Minh Tuấn, Phó trưởng Phòng Công nghệ thông tin Sở TT-TT, cho biết thành phố sẽ dành kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển đạt 2% GRDP; bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tăng dần theo yêu cầu phát triển.
Mục tiêu đến năm 2030, thành phố phấn đấu trở thành một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của cả nước; thuộc nhóm 100 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu; nhóm 3 tỉnh, thành về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Tỉ lệ doanh nghiệp, công nghệ số dẫn đầu cả nước.
Bên cạnh đó, sẽ thu hút một số tổ chức, doanh nghiệp (DN) công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở, nhà máy, trung tâm nghiên cứu, sản xuất. Hỗ trợ 5.000 DN khởi nghiệp sáng tạo; hình thành ít nhất 5 trung tâm xuất sắc đạt chuẩn quốc tế trong các lĩnh vực trọng tâm. Đồng thời, phát triển hạ tầng số tiên tiến, hiện đại; từng bước làm chủ một số công nghệ chiến lược, công nghệ số như AI, internet vạn vật, dữ liệu lớn, blockchain, bán dẫn, 5G, 6G; đẩy mạnh phát triển chính quyền số quản lý, điều hành trên nền tảng số và dựa vào dữ liệu…
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT TP HCM, cho biết Nghị quyết 57 đã nêu rõ 3 lĩnh vực KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng hàng đầu cần phải thực hiện sớm. Tuy nhiên, lĩnh vực này rất rộng nên để triển khai hiệu quả còn nhiều thách thức đặt ra và cần phải giải quyết ngay để đẩy nhanh tiến độ.
"Chúng ta cần góp ý để thực hiện Nghị quyết 57 có tính chất lâu dài nhưng trước tiên cần chọn "món" có thể thực hiện ngay trong năm 2025, để có kết quả và sự chuyển biến ngay. Riêng trong quý I/2025, Viettel sẽ khởi công trung tâm dữ liệu tại huyện Củ Chi" - ông Thắng nói.
Tương tự, theo các chuyên gia, TP HCM cần có cơ chế thoáng và chính sách mới, trong đó hỗ trợ DN sử dụng các phần mềm, ứng dụng do DN Việt Nam tạo ra để làm tăng thêm cơ hội phát triển, có thêm ngân sách phát triển sản phẩm. Ngoài ra, nên đơn giản hóa các thủ tục hành chính, liên quan sáng chế KH-CN, bởi công nghệ phát triển rất nhanh, nếu thời gian cấp phép lâu sẽ lỗi thời.
Bình luận (0)