Thông tin từ các nhà cung cấp dịch vụ internet trong nước cho biết, tối ngày 2-8 tuyến cáp quang biển AAG đã gặp sự cố khiến cho việc truy cập internet hướng đi quốc tế rất “chập chờn”. Theo nhận định ban đầu từ nhà cung cấp dịch vụ internet có thể tuyến cáp gặp sự cố ở phân đoạn từ Việt Nam đi Hồng Kông khiến cho lưu lượng, tốc độ truy cập internet giảm. Sự cố lần này khá nghiêm trọng và hiện thời tiết trên biển rất xấu, có bão nên chưa thể triển khai kế hoạch sửa chữa.
Đến sáng nay 3-8-2016 nhiều người dùng cho biết rất khó khăn khi truy cập, sử dụng các dịch vụ như Gmail, YouTube, Facebook... Việc truy cập vào các trang web có máy chủ đặt ở nước ngoài hoặc tải các file có dung lượng lớn gần như là không thể. Tuy nhiên việc truy cập vào các trang web, dịch vụ trong nước vẫn diễn ra khá suôn sẻ.
AAG là tên viết tắt của Asia - America Gateway, hệ thống cáp quang biển dài 20.000 km, kết nối khu vực Đông Nam Á với tuyến cáp của Mỹ thông qua khu vực đảo Guam và Hawaii. Đến nay, hơn 60% Internet quốc tế của Việt Nam đều đi qua AAG. Ngoài Việt Nam, tuyến cáp quang AAG cũng rẽ nhánh vào Philippines, Brunei, Malaysia...
Chỉ tính riêng trong năm 2014, tuyến cáp AAG đã 2 lần bị đứt vào tháng 7 và 9. Trong năm 2015, số lần đứt cáp là hơn 3 lần. Từ đầu năm 2015 đến nay tuyến cáp quang biển AAG đã phải bảo trì 2 lần, 1 lần vào tháng 3 và 1 lần vào tháng 6.
Trước sự “mỏng manh” của tuyến cáp quang biển AAG, các nhà mạng Việt Nam cho biết sẽ sớm đưa tuyến cáp APG vào thay thế trong năm 2016. Các nhà mạng Việt Nam đều cho biết đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư vào tuyến cáp quang biển Châu Á - Thái Bình Dương APG (Asia Pacific Gateway) nối từ Việt Nam đi các nước châu Á, qua đó kết nối đến các nơi khác trên thế giới như châu Âu và Mỹ.
Dự kiến APG sẽ được đưa vào khai thác trong năm 2016 góp phần vào việc đảm bảo lưu lượng băng thông truy cập ra hướng quốc tế cho Việt Nam, giúp người dùng internet Việt Nam yên tâm hơn về tốc độ và sự ổn định. APG là tuyến cáp quang có chiều dài hơn 11.000 km, chạy từ Hàn Quốc tới Malaysia với băng thông ban đầu là 4Tbps (Terabyte). Đây sẽ là một tuyến dự phòng trọng yếu cho các kênh quốc tế đang hoạt động hiện nay như IA, AAG… được các nhà mạng lớn CMC Telecom, VNPT, Viettel, FPT Telecom chung tay đầu tư xây dựng.
Bình luận (0)