Hàng loạt vụ rò rỉ thông tin trên mạng xúc phạm nhân phẩm, thậm chí gây chết người, lừa đảo, khủng bố bằng tin nhắn rác... khiến người dùng lo lắng. Các chuyên gia bảo mật, luật sư cho rằng đã đến lúc cơ quan chức năng cần sớm đưa ra các giải pháp ngăn chặn hiệu quả và có biện pháp xử lý mạnh tay với loại tội phạm này.
Vi phạm khắp nơi
Bên cạnh đó, tình trạng nhiều người dùng bị quấy rối bởi những tin nhắn trúng thưởng rao bán sim, nhận cuộc gọi mời mua bất động sản, bảo hiểm… càng gia tăng cho thấy số điện thoại và danh tính của người dùng bị thu thập phát tán trái phép. Nguy hiểm hơn, những kẻ mua bán thông tin cá nhân còn tạo ra những đầu số tổng đài dịch vụ nhằm dẫn dụ người dùng gọi vào để quảng cáo, lừa đảo trúng thưởng khiến nhiều người mất tiền. Mới đây, cơ quan an ninh đã phát hiện Công ty Vinamob liên kết với một số công ty Trung Quốc cài sẵn các tin nhắn tự động trong điện thoại của người dùng để gửi đến các đầu số dịch vụ khiến người dùng thiệt hại trên 2 tỉ đồng.
Trước đó, tháng 3-2015, nhóm hacker DIE Group đã công khai danh sách hơn 50.000 thông tin cá nhân khách hàng (mã số, họ tên, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản và mật khẩu đăng nhập) của một tập đoàn viễn thông Việt Nam. Các thông tin bị tiết lộ kèm theo địa chỉ sẽ là miếng “mồi ngon” cho những kẻ phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo đến người dùng các đầu số thuê bao này.
Hàng loạt vụ việc như trên đã diễn ra khiến người dùng ngày càng lo lắng cho an toàn thông tin (ATTT) cá nhân của mình. Các chuyên gia, nhà quản lý, thậm chí các đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cần sớm hoàn thiện Luật ATTT, nghiên cứu, bổ sung những quy định cụ thể, chặt chẽ hơn để khắc phục tình trạng này.
Còn lơ là trách nhiệm
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, cho biết: “Cơ quan quản lý cần lập một đường dây nóng (điện thoại, trang web…) để người bị xâm phạm thông tin cá nhân có thể khiếu nại, tố cáo kịp thời các hành vi vi phạm. Cần tuyên truyền công khai việc xử phạt các hành vi phát tán thông tin cá nhân, xúc phạm nhân phẩm để người dùng ý thức phòng ngừa. Đồng thời, phải xem xét nghiêm túc trách nhiệm bảo đảm ATTT cá nhân cho khách hàng của các nhà mạng, DN cung cấp dịch vụ trước tình trạng bị quấy rầy, thậm chí là lừa đảo. Vấn đề này đang bị bỏ lơ”.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, đại diện Hãng Luật Giải Phóng, cho rằng: “Hiện nay, việc xử lý hành vi cung cấp thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín và danh dự, nhân phẩm, lừa đảo người khác… chỉ quy định đối với hành vi thực hiện trên trang thông tin điện tử, còn trên các mạng xã hội, điện thoại, e-mail thì vẫn còn bỏ ngỏ chưa cụ thể”. Theo ông Hưng, ở góc độ quản lý nhà nước, công cụ quản lý thông tin trên mạng bằng pháp luật khó phát huy tác dụng. Vì vậy, cơ quan quản lý cần sớm đưa ra những chiến lược, chính sách quản lý xã hội, tuyên truyền, giáo dục người dùng mạng có định hướng và hiệu quả”. Nhiều chuyên gia bảo mật và luật sư cho rằng nên nâng mức phạt tiền đối với hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác trên mạng. Bên cạnh đó cần bổ sung xử phạt đối với hành vi tiết lộ thông tin cá nhân của người khác khi chưa được phép.
Ông Võ Đỗ Thắng, Ủy viên BCH Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam Vnisa, cho biết: “Trách nhiệm phòng tránh mất dữ liệu cá nhân, dữ liệu khách hàng là từ đơn vị cung cấp dịch vụ. Hiện chưa có cơ chế xử phạt đơn vị quản lý thông tin để lộ thông tin khách hàng. Vì vậy, cơ quan chức năng phải gấp rút ban hành cơ chế xử phạt để các DN cung cấp dịch vụ có trách nhiệm hơn trong việc bảo mật thông tin khách hàng”.
Tăng cường biện pháp quản lý, xử lý an toàn thông tin
“Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM, cho biết tình trạng không ATTT trên thế giới và trong nước đang diễn biến phức tạp, đe dọa đến đời sống, hoạt động sản xuất cũng như tài sản của cá nhân và DN, ảnh hưởng đến an toàn, an ninh quốc gia. Đây là hồi chuông cảnh báo, đốc thúc chúng ta cần sớm triển khai những biện pháp quản lý cũng như giải pháp công nghệ tiên tiến để bảo đảm ATTT. Sở đã yêu cầu các cá nhân, tổ chức, DN tăng cường bảo đảm ATTT, đồng thời mạnh tay xử lý các hiện tượng vi phạm ATTT cũng như xây dựng các lực lượng chuyên gia nòng cốt để xử lý, ứng phó với các sự cố ATTT. Sắp tới, TP HCM cũng sẽ thường xuyên tổ chức các buổi diễn tập ứng phó với tình trạng mất ATTT nhằm bảo vệ ATTT cho người dùng, DN”.
Bình luận (0)